01/03/2024 - 09:41

Indonesia hy vọng trở thành thành viên OECD trong vòng 2-3 năm 

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết nước này đặt mục tiêu hoàn tất việc trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong vòng 2-3 năm.

Nếu được chấp nhận, Indonesia sẽ là nền kinh tế châu Á thứ 3 gia nhập OECD sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Xinhua

Bộ trưởng Hartarto hôm 28-2 cho biết Indonesia rất lạc quan về việc được chấp nhận là thành viên OECD vì nước này đã tuân thủ các tiêu chuẩn của tổ chức, bao gồm một nền kinh tế công bằng và chống tham nhũng. 

Ông Hartarto cho rằng việc Indonesia gia nhập OECD sẽ hỗ trợ các chương trình ưu tiên của chính phủ nước này như nền kinh tế xanh, số hóa, phát triển nguồn nhân lực, quản trị tốt và sớm đưa Indonesia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, theo báo cáo của trang web Solopos. Số liệu từ Cục Thống kê Trung ương Indonesia cho thấy GDP bình quân đầu người của Indonesia năm ngoái là 75 triệu rupiah (4.790USD).

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều thỏa thuận đầu tư và thương mại hơn khi trở thành thành viên OECD. Theo Bhima Yudhistira, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (CELIOS), gia nhập OECD có thể giúp Indonesia nhận được nhiều lợi ích tiềm năng. Trong đó, Indonesia có thể học cách phát triển năng lực công nghiệp và công nghệ từ những kinh nghiệm tốt nhất của các nước thành viên OECD.

Drajad Wibowo, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính, nhận định khu vực kinh doanh của Indonesia cũng sẽ được hưởng lợi từ tư cách thành viên OECD. “Nó sẽ tạo ra một môi trường công bằng và tự tin cho các công ty đến từ các nước OECD hợp tác, đầu tư và buôn bán với Indonesia”, ông Wibowo nói.

Jakarta muốn gia nhập câu lạc bộ ưu tú này như một phương tiện để đưa Indonesia trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Tuần rồi, OECD đã quyết định mở cuộc thảo luận về việc kết nạp Indonesia sau khi quốc gia vạn đảo nộp đơn gia nhập vào tháng 7-2023. Theo OECD, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đăng ký gia nhập tổ chức hiện có 38 nước thành viên này.

Theo Bộ trưởng Hartarto, Indonesia sẽ hợp tác với OECD để hoàn thành tài liệu lộ trình, trong đó nêu rõ các điều khoản, điều kiện, quy trình gia nhập, và dự kiến trình bày tài liệu này tại cuộc họp hội đồng bộ trưởng của OECD vào tháng 5 tới.

Tuy nhiên, quá trình gia nhập của Indonesia sẽ trải qua một cuộc kiểm tra gắt gao, bao gồm các vấn đề thương mại, chống tham nhũng và biến đổi khí hậu, để đảm bảo nước này đáp ứng các tiêu chuẩn của OECD. OECD cho biết không có thời hạn hoàn thành quá trình gia nhập vì kết quả phụ thuộc vào khả năng quốc gia đó thích ứng với các tiêu chuẩn và thông lệ tốt nhất của tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp). Nhưng thông thường phải mất 5-8 năm để một quốc gia đạt được tư cách thành viên chính thức. Việc kết nạp thành viên mới cần có sự nhất trí của tất cả các nước trong OECD.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, The Jakarta Post)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
IndonesiaOECD