07/01/2010 - 09:14

Icesave làm rối Iceland

Người dân Iceland biểu tình phản đối dự luật về Icesave. Ảnh: AFP

Iceland đang đứng bên bờ vực khủng hoảng sau khi Tổng thống nước này Olafur Ragnar Grimsson từ chối ký ban hành một dự luật được quốc hội nước này thông qua mới đây về bồi thường cho các khách hàng Anh và Hà Lan bị thiệt hại do gửi tiền tại ngân hàng Icesave của Iceland sau vụ ngân hàng này bị phá sản hồi cuối năm 2008. Thay vào đó, Tổng thống Grimsson cho biết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về dự luật trên.

Dự luật được soạn thảo nhằm vạch ra phương án Iceland sẽ hoàn tiền cho các nước buộc phải bảo lãnh tài khoản của công dân họ ở Icesave sau khi ngân hàng này sụp đổ. Theo đó, từ nay tới năm 2014, Iceland sẽ trả khoảng 5,4 tỉ USD cho chính phủ Anh và Hà Lan, sau khi hai nước này bồi thường một phần thiệt hại cho khoảng 320.000 công dân của họ là khách hàng Icesave. Dự luật được Quốc hội Iceland thông qua hôm 31-12-2009, và cần được tổng thống phê chuẩn trước khi có hiệu lực.

Tuy nhiên, cuối tuần rồi, Tổng thống Grimsson nhận được bản kiến nghị có chữ ký của hơn 62.000 người, chiếm 1/4 dân số 243.000 người Iceland, kêu gọi phủ quyết dự luật. Những người phản đối cho rằng các điều khoản trong dự luật gây thiệt hại cho quá trình hồi phục kinh tế của Iceland. Người dân Iceland không thể trả giá cho những sai lầm của các tổ chức tài chính. Tính ra với tổng gói bồi thường trên, chiếm 40% GDP, mỗi người dân Iceland phải gánh khoảng 17.300 USD.

Phát biểu trên truyền hình hôm 5-1, Tổng thống Grimsson cho biết ông phủ quyết dự luật là căn cứ theo Hiến pháp Iceland. Ông nói: “Người dân là thẩm phán tối cao về giá trị của luật pháp và trách nhiệm của tổng thống phải đảm bảo quyền này sẽ được thực thi ở Iceland”.

Chính phủ Iceland và hai nước liên quan Anh và Hà Lan lập tức phản ứng trước quyết định trên của Tổng thống Grimsson. Thủ tướng Iceland Johanna Sigurdardottir bày tỏ sự không hài lòng với tổng thống, khi cho rằng việc phủ quyết dự luật có thể làm Iceland mất cơ hội nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và có thể đẩy chính phủ đến nguy cơ đổ vỡ. Cuộc khủng hoảng ngân hàng năm ngoái buộc Iceland phải vay 2,1 tỉ USD từ IMF, đến nay đã giải ngân được 1,1 tỉ USD. Tuy nhiên, IMF tuyên bố vốn vay sẽ được giải ngân tiếp với điều kiện vấn đề bồi thường Icesave sẽ được giải quyết. Các nước láng giềng Bắc Âu từng cam kết cấp quỹ giải cứu tài chính cho Iceland cũng xem vấn đề Icesave là điều kiện tiên quyết.

Trong khi đó, Quốc vụ khanh phụ trách tài chính Anh Pauls Myners cảnh báo việc phủ quyết dự luật có thể khiến Iceland bị cô lập với hệ thống tài chính quốc tế và ảnh hưởng quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của nước này. Anh dọa sẽ trình vấn đề này lên EU. Còn người phát ngôn Bộ Tài chính Hà Lan Ruut Slotboom cũng bày tỏ thất vọng và yêu cầu Iceland thực hiện trách nhiệm bồi thường cho người gởi tiền Hà Lan.

Đây là lần thứ hai trong lịch sử 65 năm độc lập, một tổng thống Iceland từ chối ký dự luật đã được Quốc hội thông qua. Diễn biến sắp tới như thế nào sẽ phụ thuộc vào quyết định của chính phủ Iceland. Họ phải cân nhắc liệu sẽ tổ chức trưng cầu dân ý hoặc rút lại dự luật và tái đàm phán với Anh và Hà Lan về thời gian chi trả. Theo các nhà quan sát, khoảng 70% dân Iceland sẽ bỏ phiếu “không” nếu diễn ra cuộc trưng cầu dân ý. Vì vậy, căng thẳng xung quanh vụ Icesave không những có thể gây bất ổn hơn cho nền kinh tế Iceland, mà còn có thể hủy hoại nỗ lực gia nhập EU của nước này.

N. MINH (Theo BBC, WSJ, Guardian)

Người dân Iceland biểu tình phản đối dự luật về Icesave. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết