08/11/2011 - 08:58

Hy Lạp vẫn chưa có chính phủ mới

Ông Papademos- người được kỳ vọng trở thành thủ tướng mới của Hy Lạp. Ảnh: Reuters

Đài truyền hình nhà nước TV NET của Hy Lạp đưa tin cuộc gặp giữa Tổng thống Karolos Papoulias với lãnh đạo của tất cả các chính đảng ở nước này, dự kiến diễn ra hôm qua 7-11 để chỉ định chính phủ mới, đã bị hủy bỏ do đảng đối lập chính Syriza từ chối tham gia. Syriza tuyên bố không tham gia cuộc gặp trên với lý do chính phủ mới không được thành lập thông qua chế độ bầu cử, vì thế sẽ “không có quyền lực chính trị”. Điều này đồng nghĩa với việc danh sách nội các mới sẽ chỉ được công bố sau các cuộc thương lượng giữa Thủ tướng đương nhiệm George Papandreou và người đứng đầu phe đối lập, lãnh đạo đảng Dân chủ mới Antonis Samaras.

Tại cuộc họp khẩn giữa Thủ tướng Papandreou và ông Samaras hôm 6-11 với sự trung gian của Tổng thống Papoulias, hai bên đã thống nhất thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc tạm thời cho đến khi nào giải quyết xong các vấn đề có liên quan đến gói cứu trợ mới của Liên minh châu Âu (EU) được công bố hôm 26-10. Tổng thống Papoulias cảnh báo “sự không chắc chắn đang tra tấn nhân dân Hy Lạp phải chấm dứt. Chúng ta cần tìm kiếm một giải pháp mà tất cả các nước châu Âu đang mong muốn”. Thủ lĩnh phe đối lập Samaras nói rằng nếu ông Papandreou từ chức thì “mọi sự bế tắc sẽ được khai thông”. Thủ tướng Papandreou thì tuyên bố ông không có ý định ôm mãi chiếc ghế thủ tướng và hy vọng Hy Lạp sẽ có một “chính quyền bảo vệ đất nước” khỏi bị phá sản vì nợ nần. Nếu không nhận được khoản giải ngân mới 8 tỉ euro trong gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỉ euro, ngân sách của Hy Lạp sẽ cạn kiệt vào giữa tháng 12 tới. Và để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công 360 tỉ euro, Hy Lạp gần đây phải chấp nhận thêm nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy gói cứu trợ mới gồm khoản vay 130 tỉ euro và giảm 50% số nợ.

Hiện nay, trong quốc hội 300 thành viên của Hy Lạp, liên minh đảng Xã hội PASOK của Thủ tướng Papandreou chiếm 153 ghế, trong khi đảng Dân chủ mới có 85 ghế. Vì thế, đảng Xã hội PASOK vẫn tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước cho tới cuộc bầu cử trước thời hạn dự kiến diễn ra ngày 19-2-2012. Báo giới Hy Lạp tin rằng cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Lucas Papademos là người khả dĩ nhất để đảm nhiệm chức vụ thủ tướng trong tình hình hiện tại. Nhà lãnh đạo 64 tuổi này từng là thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp giai đoạn 1994-2002, đồng thời là người giám sát các nỗ lực của Athens trong quá trình chuẩn bị gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Ông Papademos được kỳ vọng sẽ mang lại niềm tin cho các bộ trưởng tài chính Eurozone đang nhóm họp tại Brussels (Bỉ) từ ngày 7-11 với mục tiêu tìm đủ vốn cho Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) nhằm trấn an thị trường tài chính trong khu vực. Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Pháp vừa qua, Mỹ và các nền kinh tế có dự trữ ngoại hối dồi dào đã từ chối hỗ trợ cho châu Âu, nên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là niềm hy vọng của Eurozone trong cuộc họp lần này.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết