13/05/2014 - 11:37

Hút thuốc càng sớm hậu quả càng nặng nề

Hiện nay, người ta có thể dễ dàng mua và tập tành hút thuốc lá từ rất sớm nhưng khi muốn từ bỏ lại không dễ dàng. Điều đáng lo ngại là sớm hút thuốc lá, hút trong nhiều năm sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư, tim mạch, COPD (phổi tắc nghẽn mãn tính), ảnh hưởng sinh sản,… Chất lượng cuộc sống khi bước vào tuổi trung niên của những người gánh chịu hậu quả từ thuốc lá vì thế mà giảm đi vì bệnh tật hành hạ, đe dọa tính mạng.

* Tuổi trẻ nghiện thuốc

Sáng nào Nguyễn Văn Đẳng (Bình Minh, Vĩnh Long) cũng "điểm tâm" sáng bằng ly cà phê và điếu thuốc lá trước khi bắt tay vào công việc của một phụ hồ. Đẳng mới 17 tuổi đã có "thâm niên" 2 năm hút thuốc lá. Khác với nhiều thanh thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường, Đẳng hút thuốc không vì muốn chứng tỏ mình trước bạn bè mà vì hút theo mấy anh, mấy chú cùng làm chung cho vui. Đẳng tâm sự: "Em theo công trình đi khắp nơi, xa gia đình nên tập hút theo mấy anh, mấy chú cho đỡ buồn. Lúc đầu tập hút cũng bị sặc, ho nhưng giờ thì không bỏ được. Em biết hút thuốc không tốt cũng không hay ho gì nhưng những lúc buồn, nhớ người thân thì em kéo một điếu cũng thấy tinh thần đỡ hơn".

Giống như Đẳng, nhiều thanh thiếu niên khác cũng tập tành hút thuốc lá từ rất sớm chỉ vì muốn chứng tỏ mình, muốn thu hút sự chú ý của bạn gái, bạn bè rủ rê,… Bên cạnh những lý do thực tế tìm đến thuốc lá của lứa tuổi thanh thiếu niên, trong điều kiện xã hội của nước ta hiện nay, một đứa trẻ có thể dễ dàng tìm mua được thuốc lá ở các tiệm tạp hóa hay tủ thuốc lá ven đường thì việc hút thuốc sớm trong giới trẻ là khó tránh khỏi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới với 56,1% ở nam giới và 1,8% ở nữ giới. Tại TP Cần Thơ, theo một số nghiên cứu của sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ về tình hình hút thuốc lá đều cho kết quả các đối tượng được nghiên cứu bắt đầu hút thuốc ở tuổi 15, 16, thậm chí ở tuổi 13. Nghiên cứu của Nguyễn Phước Thông, sinh viên y tế công cộng, ở nam giới từ 16 - 30 tuổi tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, năm 2012, cho thấy, có đến 62,7% đối tượng được nghiên cứu đã từng hút thuốc và đang còn hút thuốc, trong đó, có 62,8% đối tượng bắt đầu hút thuốc ở độ tuổi 15 đến 19. Một nghiên cứu khác, năm 2008, của sinh viên y khoa Phạm Huy Nhật, tập trung vào sinh viên đang học tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học tại TP Cần Thơ cũng cho kết quả 21% bắt đầu hút thuốc ở tuổi thiếu niên, trong đó, có 9,1% hút thuốc ở tuổi 13 và nhỏ hơn.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Hùm đang được bác sĩ khám tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ.

* Tuổi già gánh lấy hậu quả

Ông Nguyễn Văn Hùm, 84 tuổi, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh COPD đã hơn 3 năm qua. Cũng từng ấy năm ông Hùm trở thành bệnh nhân quen thuộc, thường xuyên đến khám hoặc phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ vì bệnh COPD. Ông Hùm chia sẻ: "Tôi hút thuốc từ lúc 17-18 tuổi đến gần 70 tuổi tôi mới bỏ thuốc. Thời còn trẻ, tôi đâu biết hút thuốc sẽ hại sức khỏe như vậy. Bây giờ, một năm tôi nhập viện không biết bao nhiêu lần, tại các bệnh viện ở Cần Thơ và cả Sài Gòn, thật khổ thân già. Bác sĩ nói bệnh này chết mang theo, không chữa khỏi được. Thấy được hậu quả của hút thuốc nên tôi cấm tiệt con, cháu không được hút thuốc và bảo chúng xem cái gương của tôi mà tránh thuốc".

Ông Hùm là một trong 714 bệnh nhân COPD đang được Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ theo dõi, điều trị. Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện, cho biết: "Khoảng 90% bệnh nhân mắc bệnh COPD là do thuốc lá. Những người hút thuốc lá càng sớm, càng lâu năm thì nguy cơ mắc COPD càng cao khi bước vào độ tuổi trên 40. Chính vì hậu quả âm thầm lâu dài, không bộc lộ ngay trước mắt của thuốc lá nên giới trẻ không thấy được để bỏ thuốc hay tránh hút thuốc"

Theo các bác sĩ, thuốc lá có hơn 4.000 chất khác nhau, trong đó, có 43 chất có thể gây ung thư. Trong thuốc lá còn có chất Nicotine gây nghiện và rất độc đối với cơ thể con người. Bác sĩ Tuấn cho biết thêm: "Người nghiện thuốc lá có gấp đôi nguy cơ mắc bệnh ung thư (phổi, vùng tai mũi họng, thận, bàng quang…), nguy cơ tăng gấp đôi ở người nghiện thuốc lá. Đối với hệ hô hấp, thuốc lá có thể gây bệnh COPD và làm cho tình trạng hen nặng thêm. Thuốc lá còn gây ra các bệnh về tim mạch, tiêu hóa, vô sinh, làm thai phụ sinh non, sẩy thai và suy dinh dưỡng bào thai. Nói chung, khói thuốc lá vô cùng độc hại với sức khỏe con người. Mỗi người cần có trách nhiệm góp sức cho phong trào bài trừ thuốc lá, đồng thời, chú trọng bảo vệ, giúp thế hệ trẻ, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên hiểu rõ và tránh xa thuốc lá".

Việt Nam đã có luật phòng chống thuốc lá, Chính phủ cũng đã có văn bản cấm hút thuốc lá nơi công cộng, trường học, công sở... Việc bài trừ thuốc lá từ đó cũng đi sâu vào cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế tình trạng mua bán thuốc lá dễ dàng, tràn lan và việc xử phạt các vi phạm qui định liên quan đến thuốc lá vẫn chưa được thực hiện triệt để, hiệu quả. Trong khi đó, lứa tuổi thanh thiếu niên chưa có đủ kiến thức, bản lĩnh tránh xa hay từ bỏ khi đã nghiện hút. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Thành Tài, Phó khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, người có công trình nghiên cứu về tình trạng hút thuốc lá của học sinh bậc THPT và đưa ra một số giải pháp can thiệp, cho biết: "Việc tập tành hút thuốc thì dễ nhưng việc từ bỏ thì rất khó. Và hậu quả do thuốc lá gây ra không bộc lộ ngay khi người hút còn trẻ mà tích tụ âm thầm, lâu dài, vì vậy, giới trẻ không thấy được hậu quả nên thấy không cần thiết để bỏ thuốc. Muốn giúp giới trẻ cai thuốc hiệu quả hoặc không tìm đến với thuốc lá thì cần phải có biện pháp mạnh mẽ của cả nhà trường, gia đình và xã hội".

Bài, ảnh: Lê Anh

Chia sẻ bài viết