16/07/2024 - 19:47

Hungary gặp trở ngại với “sứ mệnh hòa bình” 

Giữ ghế chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), Hungary đang tìm cách nâng cao vị thế của mình bằng vai trò trung gian hòa giải ở khu vực. Tuy nhiên, sứ mệnh mà chính quyền Thủ tướng Viktor Orban theo đuổi vấp phải nghi ngờ khi các đối tác châu Âu coi đó là tiếng nói của riêng Budapest chứ không đại diện cho khối.

Thủ tướng Orban (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du mà ông gọi là “sứ mệnh hòa bình”. Ảnh: AFP

Ngày 1-7, Hungary tiếp quản cương vị chủ tịch luân phiên EU với nhiệm kỳ kéo dài đến ngày 31-12. Ngoài ưu tiên kinh tế, quốc phòng, khủng hoảng di cư và tăng cường quan hệ đối tác quốc tế, Budapest còn theo đuổi các mục tiêu phục vụ hòa bình, an ninh và tìm kiếm giải pháp thực sự cho những vấn đề của châu Âu.

Với chủ trương đó, trước khi đến Mỹ trao đổi cùng ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump về “cách kiến tạo hòa bình cho Ukraine” và dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Washington từ ngày 9-11/7, Thủ tướng Orban đã thăm hàng loạt quốc gia bao gồm Ukraine, Nga, Trung Quốc trong chuyến công du được ông mô tả là “sứ mệnh hòa bình” nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Sau khi trở về, một quan chức Chính phủ Hungary cho biết Thủ tướng Orban đã gửi thư tới các nhà lãnh đạo châu Âu và trình bày đề xuất hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, trước màn khởi động nhiệm kỳ với sứ mệnh hòa bình “tự xưng”, nhiều nhà lãnh đạo EU tức giận cho biết họ không được thông báo trước về cuộc họp bất thường giữa Thủ tướng Orban với các nhà lãnh đạo nước ngoài. EU cũng nói rõ rằng hành động của Thủ tướng Orban không thay mặt khối dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt vai trò trung gian hòa bình cho Ukraine. Những người phản đối còn cáo buộc Thủ tướng Orban hành động chống lại sự thống nhất cùng lợi ích của EU cũng như NATO khi theo đuổi chiến lược “thỏa hiệp và xoa dịu” các hành vi liên quan Nga.

Quan hệ rạn nứt và sự tẩy chay của EU

Đây không phải lần đầu Thủ tướng Hungary đi ngược lại chính sách của hầu hết đồng minh EU. Năm ngoái, ông là nhà lãnh đạo châu Âu duy nhất dự lễ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến ​ “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc vốn bị Mỹ và đồng minh “tẩy chay”. Cũng chỉ có ông và Thủ tướng Áo Karl Nehammer từng thăm Nga kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát đầu năm 2022. Chính trị gia 61 tuổi còn từ chối cung cấp trang thiết bị quân sự cho Kiev và cấm vũ khí vận chuyển qua lãnh thổ nước này đến Ukraine. Ông cũng là lãnh đạo EU duy nhất phản đối việc mời Ukraine mở các cuộc đàm phán gia nhập khối. Đầu năm nay, Thủ tướng Orban còn phản đối cam kết viện trợ tài chính 55 tỉ USD cho Ukraine trong 4 năm, nhưng sau đó đã nhượng bộ để đổi lấy một số quyền lợi cho Hungary.

Căng thẳng giữa Brussels và Budapest dự báo sẽ tiếp tục leo thang trong suốt nhiệm kỳ của Hungary. Ngày 15-7, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC)  Eric Mamer cho biết: “Trước những diễn biến gần đây đánh dấu sự khởi đầu nhiệm kỳ chủ tịch Hội đồng EU của Hungary, Chủ tịch Ursula Von der Layen quyết định sẽ chỉ cử đại diện ở cấp viên chức cấp cao EC tới dự các cuộc họp không chính thức của Hội đồng EU”. Bên cạnh đó, chuyến thăm theo truyền thống của đoàn EC tới nước giữ vị trí chủ tịch Hội đồng EU cũng bị hủy bỏ.

Trong khi đó, các ngoại trưởng EU thể hiện thái độ giận dữ với Hungary bằng cách tẩy chay hội nghị do nước này tổ chức ở Budapest vào cuối tháng 8.  Đây dự kiến sẽ là dịp để Thủ tướng Orban định hình chính sách đối ngoại của khối.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết