Trong hai ngày 10 và 11-3, khoảng 1.650 cử tri quần đảo Falkland (theo tên gọi của Anh) tham gia cuộc trưng cầu dân ý trả lời xem họ có muốn duy trì quy chế chính trị hiện nay là phần lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh hay không.
Argentina đã phản đối mạnh mẽ việc Luân Đôn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này, cho rằng đây là hành động hợp thức hóa sự chiếm đóng cái quần đảo đang tranh chấp mà nước này gọi tên là Maldivas. Thật cũng lạ. Người dân quần đảo Falkland/Maldivas đâu có nhu cầu phải thay đổi quy chế chính trị hiện tại. Nhiều cư dân của quần đảo là hậu duệ thế hệ thứ 8 hoặc 9 của những người Anh tìm kiếm miền đất hứa xa xôi mới trên đại dương mênh mông.
Tuy nhiên, qua cuộc trưng cầu dân ý có sự giám sát của các đại biểu đến từ Mỹ, Canada, Mexico, Paraguay, Uruguay, Chile và New Zealand, chính quyền Anh hy vọng sẽ có nhiều nước thừa nhận ý nguyện của người dân Falkland và từ đó chính thức công nhận vùng lãnh thổ hải ngoại này của Luân Đôn.
Chính quyền dân cử ở Falkland nằm dưới sự quản lý của Luân Đôn trong các vấn đề quốc phòng và đối ngoại, đồng thời toàn quyền của Nữ hoàng Anh có quyền phủ quyết mọi quyết định của chính quyền nơi đây. Nhưng chính phủ Anh hô hào người dân Falkland có quyền "tự quyết" và quyền này cần được quốc tế công nhận.
Đại sứ Anh tại Chile Jon Benjamin biện hộ quyền "tự quyết" của người dân đã được công nhận sau các cuộc trưng cầu dân ý ở Nam Sudan năm 2011, hay phần lãnh thổ hải ngoại Puerto Rico của Mỹ trên vùng biển Caribbe. Có điều, vấn đề Falkland rất nhạy cảm và phức tạp trong quan hệ ngoại giao, bởi nó liên quan đến cuộc tranh chấp pháp lý quốc tế công khai của Argentina. Bất đồng ngoại giao giữa hai nước gia tăng căng thẳng kể từ năm 2010, khi Luân Đôn cho phép tiến hành hoạt động thăm dò dầu mỏ tại vùng biển quanh quần đảo tranh chấp.
Argentina cáo buộc đế quốc Anh đã xâm chiến Maldivas cách đây gần 2 thế kỷ và quân đội hai nước đã trải qua cuộc chiến tranh 10 tuần năm 1982 làm khoảng 650 binh sĩ Argentina cùng 255 lính Anh thiệt mạng. Quần đảo nằm ở Nam Thái Bình Dương này cách xa nước Anh tới 13.000km, nhưng chỉ cách Argentina chừng 500km. Vì thế, Argentina không ngần ngại đấu tranh quyết liệt bằng con đường pháp lý và đối ngoại. Nữ Tổng thống Cristina Fernández từng tố cáo trước Đại Hội đồng và Ủy ban phi thực dân hóa của Liên Hiệp Quốc (LHQ) rằng nước Anh "làm ngơ một cách có hệ thống" các nghị quyết của LHQ liên quan đến quần đảo này.
Tác dụng của trưng cầu dân ý nhằm hợp thức hóa chủ quyền của nước Anh đối với quần đảo Falkland có lẽ sẽ không có tác dụng thay đổi gì.
KIẾN HÒA (Theo Reuters, AP)