11/06/2018 - 22:24

Hôm nay diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều 

Vào lúc 9 giờ sáng nay 12-6 (tức 8 giờ Hà Nội cùng ngày), hội nghị thượng đỉnh được mong đợi giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên chính thức diễn ra tại khách sạn 5 sao Capella trên đảo Sentosa của Singapore.

Thủ tướng Singapore gặp gỡ lãnh đạo Mỹ, Triều

Hôm qua, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi cùng dự bữa trưa tại Phủ Tổng thống. Lãnh đạo Mỹ bày tỏ cảm kích đối với nước chủ nhà, đồng thời hy vọng hội nghị với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thành công tốt đẹp.

Trước đó một ngày, Thủ tướng Lý cũng có buổi họp kín với lãnh đạo Triều Tiên. Hai bên đã trao đổi về quan hệ song phương cũng như triển vọng tăng trưởng thương mại Singapore - Triều Tiên nếu các lệnh trừng phạt quốc tế được nới lỏng sau cuộc gặp Trump - Kim.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: AP

Trong diễn biến liên quan, phái đoàn ngoại giao Mỹ và Triều Tiên tiếp tục có buổi làm việc nhằm thu hẹp bất đồng trước khi lãnh đạo hai nước chính thức gặp nhau. Tờ Straits Times tiết lộ, trọng tâm trong chương trình nghị sự vẫn là yêu cầu của Washington đối với Bình Nhưỡng về tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Đổi lại, Triều Tiên đòi hỏi Mỹ đảm bảo an ninh và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Hiệp ước hòa bình chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) cũng có thể được cân nhắc.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump có thể gặp riêng ông Kim Jong-un cùng với thông dịch viên nhưng không có cố vấn hay trợ lý trước khi hai bên bước vào bàn đàm phán chính thức.

Một số quan chức cấp cao Mỹ dự kiến có mặt tại cuộc họp chính thức gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, trong khi phía Triều Tiên có em gái ông Kim là bà Kim Yo-jong và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol.

Thắt chặt an ninh

Tuy Singapore nhiều lần tổ chức các sự kiện chính trị cấp cao, chẳng hạn như Đối thoại Shangri-La, nhưng theo giới quan sát, công tác an ninh trên bộ, trên biển và trên không cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên được nâng lên “quy mô chưa từng thấy”. Trích lời các quan chức Singapore, Reuters cho biết đảo quốc Sư tử đang huy động tất cả nguồn lực để ngăn chặn các mối đe dọa, đảm bảo cuộc gặp Trump-Kim diễn ra an toàn. Trong đó, Giáo sư Kim Doo-hyun của Hàn Quốc cho rằng công tác bảo vệ ông Kim Jong-un được thắt chặt hơn so với bất kỳ yếu nhân nào.

Ước tính, nước chủ nhà chi ra 15 triệu USD để tổ chức sự kiện này, trong đó khoảng một nửa dành cho công tác bảo đảm an ninh. Theo lời Bộ trưởng Nội vụ Shanmugam, khoảng 5.000 nhân viên cảnh sát và lực lượng phản ứng nhanh được triển khai. Con số này không bao gồm lực lượng quân sự được huy động, trong đó có ít nhất 2 tàu chiến tuần tra vùng biển ngoài khơi đảo Sentosa. Ngoài khách sạn diễn ra hội nghị, các tuyến đường và khu vực quanh hai khách sạn ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên lưu trú sẽ được bảo vệ bởi lực lượng đặc nhiệm Gurkha nổi tiếng tinh nhuệ và thiện chiến.

Hiện tại, Bộ trưởng Nội vụ Shanmugam cho biết chính quyền chưa phát hiện mối đe dọa cụ thể nào, nhưng cơ quan xuất nhập cảnh đã từ chối 4 cá nhân bị liệt vào danh sách “đáng quan tâm”.

Hơn 2.500 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đang có mặt ở Singapore để đưa tin về sự kiện lịch sử này. 

Vai trò của Trung Quốc

Trước thềm hội nghị, giới phân tích Trung Quốc cho biết Bắc Kinh có thể đảm nhiệm trọng trách lớn hơn, đó là thúc đẩy tiến trình thực thi các thỏa thuận (nếu có) sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên.

Theo chuyên gia Triệu Thông tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa, do không trực tiếp tham gia vào lộ trình đàm phán Mỹ-Triều nên Bắc Kinh hiểu rõ  ảnh hưởng hạn chế của họ đối với Washington lẫn Bình Nhưỡng về vấn đề phi hạt nhân hóa. Nhưng với tư cách đồng minh thân cận và đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên (cũng như của Mỹ), Trung Quốc hiện có vị thế thuận lợi để đảm bảo việc thực thi điều kiện tiên quyết của quốc gia Đông Bắc Á đối với cam kết phi hạt nhân, đó là an toàn của chế độ Bình Nhưỡng. 

MAI QUYÊN

 

Chia sẻ bài viết