 |
Cảnh sát chống bạo động được triển khai dày đặc tại khu vực diễn ra hội nghị. Ảnh: Reuters |
Hôm nay 7-7, các nhà lãnh đạo Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G8, gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada và Nga) nhóm họp trên đảo Hokkaido của Nhật. Trong 3 ngày làm việc, hội nghị tập trung tìm các giải pháp cho những thách thức hiện tại cũng như lâu dài đối với nhân loại. Đó là khủng hoảng lương thực, giá dầu leo thang và tình trạng biến đổi khí hậu. Vấn đề khủng hoảng tín dụng toàn cầu, viện trợ phát triển, an ninh thế giới... cũng giữ vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự.
Để đối phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng lương thực trong tương lai, G8 chủ trương sẽ thành lập hệ thống dự trữ lương thực. Theo đó, mỗi nước thành viên phải dự trữ một lượng lương thực đáng kể để kịp thời tung ra thị trường bình ổn giá khi xảy ra biến động. Hiện mới có hai thành viên G8 là Nhật và Đức có kho dự trữ lương thực. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết trước mắt G8 sẽ cứu trợ để giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng lương thực, đồng thời thực thi chiến lược dài hạn nhằm tăng sản lượng lương thực toàn cầu, nhất là ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, G8 cũng có kế hoạch thành lập “lực lượng đặc nhiệm” đối phó với khủng hoảng lương thực.
Các nhà lãnh đạo G8 gặp nhau lần này trong bối cảnh giá dầu không ngừng leo thang và đang ở mức cao kỷ lục hơn 140 USD/thùng. Để “hạ nhiệt” giá dầu, Anh yêu cầu tăng cường đối thoại giữa các nước sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, giải pháp này không mấy khả thi bởi lập trường hai bên khác nhau quá xa. Các nước tiêu thụ dầu cho rằng giá dầu tăng cao vì thiếu hụt nguồn cung, trong khi theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nguyên nhân là do đầu cơ và đồng USD yếu. Do vậy, giải pháp căn cơ là G8 phải tìm cách nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế để giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, cũng là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Thủ tướng Anh Gordon Brown hy vọng tại hội nghị này, G8 sẽ đạt được tiến bộ trong việc tiến tới một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Copenhagen (Đan Mạch) vào năm tới, để thay thế Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012. Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ khả năng đó, bởi còn nhiều bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển, thậm chí giữa Mỹ và châu Âu cũng vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung” về vấn đề này. Tại hội nghị năm ngoái, các nhà lãnh đạo G8 đồng ý xem xét mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí C02 vào năm 2050. Tuy nhiên, theo Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), không thành viên nào của G8 giữ đúng cam kết, đặc biệt là Mỹ, Canada và Nga. Biến đổi khí hậu cũng sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị các nền kinh tế chủ chốt mở rộng (MEM) gồm G8 và Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Mexico, Hàn Quốc, Australia, Indonesia tại Hokkaido ngày 9-7. Cần nói thêm là các nước G8 phát thải 62% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh G8 năm nay diễn ra trong tình trạng an ninh được thắt chặt. Khoảng 21.000 cảnh sát được điều động làm nhiệm vụ tại Hokkaido và cũng ngần ấy cảnh sát được triển khai tại Thủ đô Tokyo trong suốt thời gian diễn ra hội nghị. Chi phí an ninh ước tính lên tới 283 triệu USD, cao hơn nhiều so với con số 186 triệu USD mà Đức bỏ ra tại hội nghị năm 2007.
LÊ DÂN (Theo Reuters, THX)