02/04/2023 - 09:30

Học thuyết ngoại giao mới của Nga 

ÐỨC TRUNG

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt bản cập nhật Khái niệm Chính sách Ðối ngoại của LB Nga tại cuộc họp Hội đồng An ninh LB Nga ngày 31-3. Nếu như phiên bản Khái niệm Chính sách Ðối ngoại năm 2016 chủ yếu tập trung vào việc chống khủng bố, thúc đẩy hợp tác quốc tế, mở rộng ảnh hưởng toàn cầu và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Nga thì bản cập nhật năm 2023 xác định rõ Mỹ là “nguồn nguy cơ chính đối với an ninh, hòa bình và phát triển công bằng cho nước Nga và toàn thể nhân loại”.

Ông Putin thăm một căn cứ quân sự Nga. Ảnh: AP

Tài liệu dài 42 trang có tên Khái niệm Chính sách Ðối ngoại là học thuyết chính sách đối ngoại chiến lược quan trọng vạch ra những nguyên tắc, mục tiêu và ưu tiên chính sách ngoại giao quốc tế của LB Nga trong thời gian tới. Tổng thống Putin giải thích học thuyết chính sách đối ngoại của Nga phải được cập nhật do “những thay đổi mạnh mẽ” trong bối cảnh quốc tế mới. Ngoại trưởng Sergei Lavrov thì khẳng định học thuyết phản ánh “những thay đổi mang tính cách mạng trong các vấn đề thế giới sau chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Học thuyết xác định Mỹ là mối đe dọa chính đối với sự ổn định quốc tế và là kẻ kích động “đường lối chống Nga”. “Mỹ và các nước đồng minh đã lấy những biện pháp mà Nga thực hiện để bảo vệ lợi ích sống còn của mình ở Ukraine làm cái cớ để leo thang các chính sách chống Nga lâu đời cũng như kích động một cuộc chiến hỗn hợp kiểu mới”, học thuyết nhấn mạnh, đồng thời giải thích cuộc chiến hỗn hợp là nói đến việc tìm cách “làm suy yếu Nga bằng mọi cách có thể”, bao gồm phá hoại tiềm lực quân sự, kinh tế và công nghệ, hạn chế quyền chủ quyền trong chính trị đối ngoại và đối nội, làm xói mòn sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga.

Trước những thách thức trên, học thuyết cho biết “Nga dự định ưu tiên xóa bỏ những dấu tích về sự thống trị của Mỹ và các quốc gia không thân thiện khác trong nền chính trị thế giới”. Thuật ngữ “các quốc gia không thân thiện” được Mát-xcơ-va sử dụng để chỉ các nước, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ, đã lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và áp dụng các biện pháp trừng phạt. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh thêm nước này sẽ có “các biện pháp tương xứng và phi tương xứng để đáp trả các hành động không thân thiện chống lại Nga”.

Tuy nhiên, học thuyết khẳng định Mát-xcơ-va “không tự coi mình là kẻ thù của phương Tây, không cô lập mình khỏi phương Tây và không có ý định theo đuổi thái độ thù địch với phương Tây”. Vì thế, Nga kỳ vọng các cường quốc phương Tây “nhận ra sự vô ích của các chính sách đối đầu và tham vọng bá quyền” và cuối cùng sẽ quay trở lại hợp tác thực dụng với Nga dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Nga cũng nỗ lực tìm kiếm “sự chung sống hòa bình”, “sự cân bằng lợi ích” và sẽ cố gắng duy trì “sự ổn định chiến lược” với Mỹ.

Trong khi đó, học thuyết mới xem Trung Quốc và Ấn Ðộ là đối tác chiến lược của Nga. Học thuyết tin rằng sự hợp tác sâu sắc hơn với “các trung tâm quyền lực toàn cầu có chủ quyền” như Trung Quốc và Ấn Ðộ sẽ có tầm quan trọng đáng kể với chính sách đối ngoại của Nga. Cụ thể, Mát-xcơ-va sẽ tìm kiếm “quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược” trong mọi lĩnh vực với Bắc Kinh và “quan hệ đối tác chiến lược ưu tiên” với New Delhi.

Học thuyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “làm sâu sắc thêm mối quan hệ, sự phối hợp với các trung tâm quyền lực toàn cầu thân thiện nằm trên lục địa Á - Âu”. Học thuyết khẳng định Nga “có thể sử dụng quân đội để bảo vệ hoặc ngăn chặn các cuộc tấn công vào các đồng minh” trên nguyên tắc “có đi có lại”.  Nga cũng sẽ phát triển hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự với các đồng minh để tăng cường an ninh khu vực.

Học thuyết mới cho biết Nga đặc biệt coi nền văn minh Hồi giáo là thân thiện và tin rằng thế giới Hồi giáo có “triển vọng lớn”, có thể trở thành lực lượng độc lập và có ảnh hưởng trong một thế giới đa trung tâm. Nga cũng đoàn kết với châu Phi trong mong muốn châu lục này có vị trí nổi bật hơn trên thế giới, xóa bỏ sự bất bình đẳng do “chính sách thực dân mới của một số quốc gia phát triển” gây ra. Ở Mỹ Latinh, Nga đặt mục tiêu phát triển quan hệ “trên cơ sở thực dụng, phi tư tưởng hóa và cùng có lợi”.

Trong thông điệp thường niên đọc trước Quốc hội Belarus ngày 31-3, Tổng thống Alexander Lukashenko cho biết Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược tại Belarus nếu cần thiết. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Putin nói rằng Nga có thể triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tại Belarus. Trước đó, ông Putin thông báo Mát-xcơ-va sẽ triển khai tên lửa tầm ngắn mang vũ khí hạt nhân chiến thuật đến nước láng giềng.

Chia sẻ bài viết