30/10/2012 - 21:39

Học gương Bác, lo cái lo của dân

Ông Nguyễn Thanh Sơn (bìa trái) cùng cán bộ xã tham quan cầu Tư Nghĩa, tại ấp Nhơn Thành,
xã Nhơn Nghĩa.

Ở tuổi 64, ông Nguyễn Thanh Sơn (Ba Sơn), Bí thư Chi bộ ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, ngày ngày vẫn tất bật, ngược xuôi vận động bà con trong ấp thực hiện những công trình phúc lợi công cộng, hết lòng giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Giữ cương vị Bí thư Chi bộ ấp từ năm 2009 đến nay, ông Nguyễn Thanh Sơn luôn tận tụy với công việc, gắn nhiệm vụ của chi bộ với những việc làm thiết thực phục vụ cho lợi ích của nhân dân…

Cầu Tư Nghĩa tại ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa có chiều dài 24m, rộng 1,3m được khởi công xây dựng vào cuối tháng 8-2012 và khánh thành vào đầu tháng 10-2012. Trong niềm vui và tự hào khi góp một phần tiền của, công sức xây dựng nên cây cầu khang trang này, nhiều bà con nơi đây đều nhắc đến "công đầu" của ông Ba Sơn.

Trước đây, cầu Tư Nghĩa là cầu ván, thường xuyên bị hư hỏng, khi trời mưa mặt cầu trơn trợt, rất nguy hiểm cho người lưu thông, nhất là các cháu học sinh. Thấu hiểu tâm tư và mong muốn của bà con, ông Ba Sơn bàn bạc với các đồng chí trong chi bộ, ban nhân dân ấp vận động bà con xây cầu bê tông. Ông cùng với đồng chí Trưởng ấp tổ chức họp dân để bàn phương án đóng góp xây cầu. Được bà con đồng tình ủng hộ, góp sức, chỉ hơn 1 tháng, cây cầu đã hoàn thành với chi phí gần 20 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Đúng, một người dân ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, khen ngợi: " Bà con trong ấp, các mạnh thường quân rất tin tưởng chú Ba Sơn nên khi chú vận động đóng góp xây dựng các công trình cầu, đường và cất nhà tình thương cho bà con nghèo trong ấp, nhiều người đều nhiệt tình hưởng ứng. Bên cạnh lòng nhiệt tình, tâm huyết, trong mọi công việc có liên quan đến huy động sức dân, chú Ba Sơn đều tổ chức lấy ý kiến bà con, rồi công khai rõ ràng các khoản chi. Trong quá trình thi công các công trình, chú Ba luôn có mặt cùng lao động với bà con, từ xây cầu đến cất nhà tình thương, làm đường giao thông,… Nhờ sự sâu sát, quyết tâm, chỉ đạo chặt chẽ của chú Ba Sơn, đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn ấp đã được bê tông hóa, đảm bảo bà con đi lại dễ dàng…".

Không chỉ quan tâm, chăm lo phát triển hạ tầng, ông Nguyễn Thanh Sơn còn là một cán bộ năng động, ham học hỏi, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông thường xuyên đi tham quan các mô hình làm ăn đạt hiệu quả để rút tỉa kinh nghiệm hay, giúp bà con ứng dụng trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Ông Ba Sơn tâm sự: "Muốn vận động bà con thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bản thân mình phải làm gương và làm đạt kết quả tốt. Từ đó, mình rút tỉa kinh nghiệm, hướng dẫn, thuyết phục bà con làm theo…". Nhìn vườn chanh trên 5 năm tuổi của ông xanh tốt, cho trái xum xuê, nhiều hội viên nông dân trong ấp không khỏi trầm trồ, khen ngợi. Bên cạnh thu nhập từ hai công chanh khoảng 60 triệu đồng/năm, gia đình ông Ba Sơn còn có nguồn thu nhập khá ổn định nhờ mô hình nuôi heo nái và nuôi gà thả vườn. Ông Ba Sơn tâm sự: "Xuất thân là một nông dân, tôi thấu hiểu những khổ cực của bà con. Giúp đỡ được bà con là niềm vui của hai vợ chồng, đồng thời cũng thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm".

Khi kinh tế gia đình khấm khá hơn, ông càng có điều kiện thuận lợi để giúp đỡ bà con trong ấp phát triển kinh tế gia đình. Ông Trần Văn Hoàng, một hội viên nông dân, ấp Nhơn Thành, kể: "Tôi và nhiều hội viên khác trong ấp được anh Ba Sơn giúp vốn bằng cách bán heo giống trả chậm. Trong quá trình nuôi, anh chỉ dẫn kỹ thuật rất tận tình, từ thuốc tiêm ngừa, cách phòng và trị bệnh cho heo, cách chăm sóc... Bên cạnh đó, anh luôn quan tâm giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hễ có mô hình nào mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh nhiệt tình hướng dẫn các hội viên áp dụng, nhờ vậy nhiều hội viên đã thoát nghèo, kinh tế ổn định". Ông Nguyễn Văn Nô, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa, cũng kể về ông Ba Sơn với sự trân trọng: " Anh Ba Sơn rất tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do Trạm khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức. Không chỉ áp dụng thành công các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mình, anh Ba còn thường xuyên giúp đỡ các hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn về vốn, con giống để có điều kiện vươn lên thoát nghèo"… Bên cạnh đó, ông còn tích cực kiến nghị các cấp, các ngành chức năng tăng cường dạy nghề cho lao động ngoại thành, góp phần động viên, giúp đỡ nhiều thanh niên có nghề nghiệp, việc làm ổn định.

Ông Nguyễn Thanh Sơn tham gia cách mạng từ năm 1963 tại Huyện đội Ô Môn. Trước khi nghỉ hưu, ông từng giữ các chức vụ: Chánh Thanh tra UBND huyện Ô Môn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ô Môn (nay quận Ô Môn). Tháng 3-2009, ông nghỉ hưu và được đảng viên chi bộ ấp Nhơn Thành tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ cho đến nay. Trong quá trình công tác, ông Sơn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ giao. Ông là một trong những tấm gương điển hình trong Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được tặng Huy hiệu Bác Hồ vào năm 2009. Ông Lê Hoàng Dũng, Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa, cho biết: "Ông Nguyễn Thanh Sơn là cán bộ có nhiều năm công tác và được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng. Khi nghỉ hưu, ông nhiệt tình góp sức xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương, tích cực vận động xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, được nhiều bà con tin tưởng, quý mến. Nhờ đó, việc vận động bà con, các mạnh thường quân quyên góp tiền, sửa chữa nhà, xây dựng cầu đường, giúp đỡ người nghèo, học sinh vượt khó học giỏi,… của địa phương thêm thuận lợi…".

Bài, ảnh: THANH THƯ

Chia sẻ bài viết