|
Bà Clinton không thuyết phục được người đồng cấp Arabie Séoudite về biện pháp thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Ảnh: AFP |
Bất chấp những chuyến ngoại giao con thoi của các quan chức cao cấp Washington tới Trung Đông sau khi ông Barack Obama nhậm chức tổng thống đầu năm nay, tiến trình hòa bình khu vực mà Mỹ là nhà bảo trợ chính dường như vẫn không nhích lên được chút nào.
Đồng minh Israel cho đến nay vẫn chưa chấp nhận yêu cầu của Mỹ về việc đóng băng các khu định cư Do Thái tại những khu vực chiếm đóng của người Palestine, điều kiện tiên quyết mà Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đưa ra để nối lại đàm phán giữa hai bên. Trong khi đó, các nước A-rập tỏ ra không mặn mà với lời kêu gọi của ông Obama về việc tiến tới bình thường hóa quan hệ với Israel, thông qua những biện pháp xây dựng lòng tin như mở văn phòng thương mại, cho phép trao đổi học thuật và máy bay dân sự của Israel được bay qua không phận các nước này.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton tại Washington ngày 31-7, Ngoại trưởng Arabie Séoudite, hoàng tử Saud al-Faisal khẳng định nước này không quan tâm đến việc thực hiện những bước đi theo gợi ý của Đặc phái viên Mỹ về hòa bình Trung Đông George Mitchell cho tới khi Israel chấp nhận những yêu cầu của người A-rập đòi Tel Aviv rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine. Arabie Séoudite là đồng minh của Mỹ và có vai vế trong khu vực nên phản ứng của Ngoại trưởng al-Faisal có thể buộc Washington phải xem lại sức ép đối với Israel thời gian qua có đủ mạnh hay chưa.
Trong khi đó, mặc dù thời gian gần đây Syrie phát đi nhiều tín hiệu hợp tác tích cực, song ông Obama cuối tuần rồi vẫn quyết định gia hạn thêm một năm các lệnh trừng phạt đối với nước này, do nghi ngờ Syrie kích động bất ổn tại quốc gia láng giềng Liban, được người tiền nhiệm George Bush ký hồi tháng 8-2007. Syrie là nhân tố không thể không tính đến ở Trung Đông (nước này là đồng minh của Iran, lại là nhà bảo trợ cho nhóm Hamas ở Palestine và Hezbollah ở Liban) nên hành động trên của Mỹ sẽ ít nhiều tác động tới tiến trình hòa bình khu vực, nhất là cuộc đàm phán đang bị ngưng trệ giữa Syrie và Israel.
Ngoài việc thiết lập hòa bình giữa Israel và các nước A-rập. Mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông còn nhằm chấm dứt 3 thập niên thù địch với Iran. Tổng thống Obama chủ trương đối thoại với Tehran, nhưng ra hạn chót cho nước này vào tháng 9 tới phải ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình, nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn (Mỹ và Israel không loại trừ khả năng dùng vũ lực). Tuy nhiên, Tehran tỏ ra không nao núng và việc nước này ngày 31-7 bắt giữ 3 du khách người Mỹ với cáo buộc họ xâm nhập Iran bất hợp pháp từ một điểm du lịch ở miền Bắc Iraq khiến khả năng cải thiện quan hệ Washington-Tehran càng thêm mù mịt.
Chủ trương của Tổng thống Obama thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông thông qua một hiệp định toàn diện giữa Israel với các nước láng giềng A-rập là đáng hoan nghênh, nhưng xem ra nó vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn ý tưởng sau hơn nửa năm cầm quyền của ông.
Các nhà phân tích thời cuộc lạc quan nhất cũng phải... thở dài: Hòa bình Trung Đông còn rất... xa vời!
LÊ DÂN (Theo AFP, Middle East Online)