Trước tuyên bố lạc quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Nga và Ukraine sẽ ngay lập tức khởi động tiến trình đàm phán về một lệnh ngừng bắn, các nhà phân tích trong đánh giá thận trọng cho biết có rất ít dấu hiệu cho thấy Mát-xcơ-va từ bỏ các yêu cầu mà theo Kiev là không thể chấp nhận được.

Một cơ sở tư nhân Ukraine bị máy bay không người lái của Nga tấn công. Ảnh: Reuters
Ngày 19-5, Tổng thống Trump có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, trong đó cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh sự ăn ý cá nhân khi gọi nhau bằng tên riêng. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá buổi trò chuyện hiếm hoi và được mong đợi nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine không mang lại đột phá lớn.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin mô tả cuộc gọi “khá thẳng thắn, có ý nghĩa và rất hữu ích”. Nhà lãnh đạo Nga cũng khen ngợi và cảm ơn ông Trump vì ủng hộ việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mát-xcơ-va với Kiev. “Chúng tôi đã thống nhất với Tổng thống Mỹ rằng Nga sẽ đề xuất và sẵn sàng hợp tác với Ukraine về một bản ghi nhớ cho thỏa thuận hòa bình có thể đạt được trong tương lai, xác định một số điểm như các nguyên tắc giải quyết, thời gian của thỏa thuận hòa bình” - Tổng thống Putin nói trước báo giới. Theo ông, có thể sẽ có lệnh ngừng bắn nếu đạt được những thỏa thuận phù hợp. “Tôi muốn lưu ý rằng về tổng thể, lập trường của Nga là rõ ràng. Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này. Chúng ta chỉ cần xác định những cách thức hiệu quả nhất để tiến tới hòa bình” - ông Putin đưa ra sự ủng hộ có điều kiện đối với lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình tiềm năng.
Về phần mình, Tổng thống Trump ca ngợi “tinh thần tuyệt vời” của cuộc trò chuyện khi cho biết cả Nga và Ukraine sẽ ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán hướng tới lệnh ngừng bắn và quan trọng hơn là kết thúc xung đột. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định Nga muốn thực hiện thương mại “quy mô lớn” với Mỹ sau khi chấm dứt chiến tranh. Chia sẻ thêm trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump xác nhận đã chuyển tiếp kế hoạch này cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng như các nhà lãnh đạo Ủy ban châu Âu cùng một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) bao gồm Pháp, Ý, Đức và Phần Lan trong cuộc gọi nhóm sau đó. Nhưng ông nói rõ các điều kiện chấm dứt xung đột sẽ được đàm phán giữa Nga - Ukraine. “Đó là cách duy nhất, vì họ hiểu rõ chi tiết về cuộc đàm phán mà không ai khác biết” - lãnh đạo Mỹ tuyên bố.
Kế hoạch bị chệch hướng
Trước cuộc gọi giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt tiết lộ ông Trump “khá mệt mỏi” với cả 2 bên liên quan trong cuộc xung đột. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cũng thất vọng về tốc độ đàm phán khi cho biết Washington muốn thấy kết quả nhưng cũng “sẵn sàng từ bỏ” giữa thời điểm Mát-xcơ-va đưa ra “quá nhiều” yêu cầu.
Trong bối cảnh đó, tờ Washington Post dẫn lời 3 nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ Tổng thống Zelensky và các nhà lãnh đạo khu vực hy vọng những nỗ lực ngoại giao của họ có thể thuyết phục chính quyền Trump đưa ra tối hậu thư cho Nga, hoặc chấp nhận lệnh ngừng bắn trong 30 ngày hoặc đối mặt với các lệnh trừng phạt mới. Nhưng sau cuộc gọi vừa rồi, giới chuyên môn cho biết cam kết không có mốc thời gian cụ thể của Nga đã làm chệch hướng các kế hoạch của châu Âu. Trong đó, rất có thể Tổng thống Trump chấp nhận yêu cầu của Tổng thống Putin về việc hoãn lệnh ngừng bắn cho đến sau các cuộc đàm phán.
Hiện tại, có rất ít dấu hiệu cho thấy Mát-xcơ-va nhượng bộ một số yêu cầu chính đang cản trở tiến trình hướng tới bất kỳ loại thỏa thuận nào. Giữa tình huống như vậy, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu đã quyết định mở rộng các lệnh trừng phạt Nga nhằm tăng sức ép buộc Tổng thống Putin phải đi đến một thỏa thuận. Vấn đề là ông Trump dường như chưa sẵn sàng tham gia cùng với châu Âu. Theo quan điểm của Washington, việc tăng cường các biện pháp cứng rắn chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ. Trong trường hợp không có tiến triển, Tổng thống Trump cảnh báo Mỹ có thể từ bỏ tiến trình này và đây sẽ chỉ còn là vấn đề của châu Âu.
Châu Âu hoan nghênh Vatican sẵn sàng tổ chức đàm phán Nga-Ukraine
Ngày 19-5, Chính phủ Ý cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu đã hoan nghênh việc Vatican sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn thông báo của Chính phủ Ý nêu rõ các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán giữa các bên nhằm đạt được lệnh ngừng bắn sớm nhất có thể và tạo điều kiện cho một nền hòa bình công bằng, lâu dài ở Ukraine. Thông báo có đoạn nêu rõ: “Sự sẵn lòng của Giáo hoàng trong việc tổ chức các cuộc đàm phán tại Vatican được đánh giá là tích cực. Ý sẵn sàng làm phần việc của mình để tạo điều kiện cho các cuộc tiếp xúc và làm việc vì hòa bình”. Trước đó cùng ngày, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Giáo hoàng Leo XIV nói rằng ông “rất muốn” tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình. Văn phòng Tổng thống Ukraine ngày 18-5 cũng thông báo Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky đã có cuộc gặp với Giáo hoàng Leo XIV và bày tỏ hy vọng Vatican “có thể đóng vai trò quan trọng” trong nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc xung đột.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, Washington Post)