08/09/2011 - 09:22

Hành trình gian khó của Tổng thống Obama

Tổng thống Obama phát biểu trong Ngày Lao động ở Detroit hôm 5-9. Ảnh: Getty

Sự tín nhiệm đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama đã giảm mạnh trước những thông tin xấu về tình hình kinh tế vài tháng qua, khiến con đường tiến tới nhiệm kỳ thứ hai của ông trở nên gập ghềnh.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận do báo Bưu điện Washington và hãng truyền thông ABC thực hiện và công bố hôm 6-9 cho thấy hơn 60% số người được hỏi không bằng lòng với cách điều hành kinh tế và xử lý vấn đề thất nghiệp của Tổng thống Obama. Theo kết quả thăm dò, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama là 43%, mức thấp kỷ lục kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng hồi đầu năm 2009. Tỷ lệ không ủng hộ Tổng thống lên tới 53%, cũng là mức kỷ lục mới. Một điều đáng bi quan nữa là có tới 66% số người đã từng bầu cho ông Obama cho rằng tình trạng của nước Mỹ đang đi chệch hướng.

Vấn đề chính khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama giảm mạnh là sự trì trệ của kinh tế Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 9,1%. Chủ nhân Nhà Trắng đã phải “chiến đấu” với các chính khách đảng Cộng hòa suốt mùa hè qua, nhằm nâng mức trần nợ công của Mỹ. Cuộc tranh cãi gay gắt này đã dẫn tới việc hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s hạ định mức tín dụng của Mỹ khỏi mức an toàn AAA, gây hoảng loạn trên các thị trường tài chính.

Chính quyền Obama cũng gây thất vọng cho các nhà vận động nhân quyền, vốn từng kỳ vọng ông sẽ thay đổi hầu hết những luật cấm mà chính quyền George Bush đã ban hành sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001. Khi lên nắm quyền tháng 1-2009, ông Obama cam kết đóng cửa nhà tù vịnh Guantanamo trong vòng một năm và chấm dứt việc dùng biện pháp đổ nước để tra khảo tù nhân, nhưng nhà tù Guantanamo vẫn mở cửa và gần như tất cả những gì còn lại của bộ máy chính quyền Bush, từ luật Patriot (yêu nước) tới tăng cường giám sát công dân, vẫn tiếp tục hoạt động. Các biện pháp từng được xem chỉ thích hợp trong giai đoạn khẩn cấp cũng đang được củng cố.

Giới phân tích đã làm một so sánh với tình trạng uy tín của những Tổng thống Mỹ trước đây như Ronald Regan và Bill Clinton vào cùng thời điểm của nhiệm kỳ. Mặc dù các vị này đều gặp những vấn đề nghiêm trọng vào giữa nhiệm kỳ, nhưng tỷ lệ ủng hộ của họ vẫn an toàn trên mức 50% trong suốt thời gian vận động tái cử. Với Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush, uy tín của ông xuống còn gần 40% vào giữa nhiệm kỳ và duy trì ở mức này trong suốt thời gian còn lại.

Michael Ratner, chủ tịch danh dự Trung tâm quyền hiến pháp (CCR) Mỹ, cho biết bắt giữ vô thời hạn, những hạn chế về giam giữ không qua xét xử, đầu hàng, tất cả tiếp tục diễn ra dưới thời Obama. Mỹ vẫn có nhiều ủy ban quân sự thời điểm này. Ratner nói: “Ông Obama có cơ hội đóng cửa nhà tù Guantanamo nhưng đã thiếu quyết tâm”. Michelle Richardson, luật sư chuyên về an ninh quốc gia tại Liên đoàn tự do dân sự Mỹ, phụ họa thêm: “Luật Patriot cho phép dễ dàng theo dõi mọi người dù họ không phải nghi can làm bất cứ điều gì sai trái”. Theo bà Richardson, chưa tới 1.000 người bị nghe lén điện thoại trước ngày 11-9-2001 vì mục đích tình báo, nhưng hiện nay không thể biết được hết là có đến bao nhiêu người.

Theo các nhà phân tích, để cải thiện cơ hội giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử vào tháng 11-2012, Tổng thống Obama phải đề ra những ý tưởng tạo việc làm mới. Hãng tin Anh Reuters cho biết trong thông điệp trình bày tại phiên họp quốc hội vào đêm nay 8-9, ông Obama dự định đưa ra gói tạo việc làm mới trị giá 300 tỉ USD. Hôm 5-9, ông Obama đã cho biết một phần trong kế hoạch đó là thành lập nhiều dự án kết cấu hạ tầng lớn như xây dựng lại đường sá và cầu đang xuống cấp tại Mỹ.

NGUYỄN HOÀNG
(Theo Guardian, Reuters)

Chia sẻ bài viết