23/09/2023 - 14:28

Giới trẻ Trung Quốc ngày càng khó kết hôn 

NGUYỆT CÁT (Theo CNA)

Khi phụ nữ Trung Quốc thăng tiến trong xã hội, họ cảm thấy khó lập gia đình. Ngoài lý do không tìm được người phù hợp, xu hướng theo đuổi lối sống tự do, hưởng thụ hoặc lo lắng về tài chính và gánh nặng chăm sóc gia đình là những rào cản khiến họ ngại kết hôn.

Nhiều người trẻ Trung Quốc ngày càng khó tìm người tâm đầu ý hợp để kết hôn.

Zhao Miaomiao - giám đốc tài chính 28 tuổi ở Thượng Hải - là một trong số đó. Thông qua ứng dụng hẹn hò, Miaomiao đã gặp gỡ hơn 100 chàng trai trong 3-4 tháng mà không có kết quả. Sau cùng, cô nhận ra rằng tìm được bạn đời là chuyện thực sự khó khăn. “Ðiều đầu tiên mà đàn ông tìm kiếm là người phụ nữ đó có hấp dẫn hay không, rồi họ mới tìm hiểu tính cách và hoàn cảnh gia đình. Nhưng phụ nữ lại ưu tiên sự chân thành của đàn ông” - Miaomiao lý giải việc chưa tìm được người hợp ý.

Còn Liu Shutong - một giám đốc truyền thông ở Bắc Kinh - dù đã có bạn trai, nhưng không đặt nặng chuyện kết hôn vì cô muốn sống cho hiện tại, giống như bạn bè. “Ngày nay, người trẻ ưu tiên cho hạnh phúc hiện tại, theo đuổi lối sống hưởng thụ. Chúng tôi thấy rằng dù có kết hôn hay không, bạn vẫn hạnh phúc” - cô gái 24 tuổi nói, chia sẻ rằng bản thân tìm thấy niềm vui khi học múa balê, yoga và mua sắm cùng bạn bè.

Thống kê ở Trung Quốc cho thấy ngày càng có nhiều thanh niên không hứng thú với hôn nhân. Trong thập niên qua, số lượt đăng ký kết hôn tại nước này đã giảm một nửa. Năm 2021, chính quyền ghi nhận chỉ có 5,4 đám cưới/1.000 dân. Năm ngoái, Trung Quốc có 6,83 triệu cặp đăng ký kết hôn - mức thấp nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được ghi nhận vào năm 1986.

Mặc dù tỷ lệ kết hôn giảm sút đã trở thành một hiện tượng toàn cầu vì nhiều lý do, nhưng ở Trung Quốc, có một số yếu tố đặc biệt tác động đến nhu cầu kết hôn trong giới trẻ. Một trong số đó là mong muốn khác biệt giữa nam và nữ khi tìm đến hôn nhân.

Ngày nay, “phái đẹp” Trung Quốc có trình độ học vấn và khả năng độc lập về kinh tế cao hơn. Trong khi đó, quan niệm về vai trò mỗi giới trong gia đình vẫn chưa phát triển theo kịp địa vị kinh tế - xã hội của phụ nữ, khi tất cả việc nhà và trách nhiệm nuôi dạy con chủ yếu do người vợ gánh vác - theo Giáo sư Jean Yeung tại Ðại học Quốc gia Singapore. Chuyên gia kinh tế Wang Dan của Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc) cho biết thêm sự khác biệt giữa những gì đàn ông và phụ nữ mong muốn khi kết hôn đặc biệt rõ rệt ở thành thị. “Ða số phụ nữ tìm kiếm tình yêu, còn đa số đàn ông tìm kiếm một người vợ (để lo gia đình). Sự khác biệt trong mục đích (kết hôn) của họ cũng tạo ra thái độ rất khác” - Dan nhận xét.

Số người kết hôn sụt giảm ở Trung Quốc còn có phần do chính sách “một con”, kéo dài từ năm 1980 đến tháng 1-2016. Theo một nghiên cứu của Ðại học bang Ohio (Mỹ), những người là “con một” ít có khả năng kết hôn hơn so với người có anh chị em. Họ có lối sống độc lập hơn và coi trọng thời gian ở một mình. Trong khi đó, để xây dựng gia đình, họ phải từ bỏ một chút cá tính, tự do, cũng như cần chú ý đến nhu cầu của bạn đời - nhà xã hội học Zhu Hong tại Ðại học Nam Kinh nhận định.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều thanh niên Trung Quốc tự nhận mình thuộc “Gia tộc Ánh trăng” - thuật ngữ dùng chỉ những người trẻ thường tiêu hết số tiền kiếm được hàng tháng. Thái độ sống vì hiện tại khiến họ lưỡng lự về tương lai. Và do tài chính bấp bênh, họ cũng hoãn luôn việc kết hôn. Theo báo cáo của Ðài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, vào năm 2021, cứ 5 người độc thân ở các thành phố hạng nhất thì có 2 người thuộc về Gia tộc Ánh trăng. Còn ở các thành phố hạng 4 và hạng 5, 76% thanh niên độc thân tiêu hết lương hàng tháng.

Tình trạng suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19 cũng góp phần giảm số lượt kết hôn. Giáo sư Yeung cho biết: “Mỗi khi khó khăn về tài chính, tỷ lệ kết hôn sẽ giảm vì mọi người thường trì hoãn những sự kiện lớn trong đời”.

Chi phí nhà ở cũng là vấn đề lớn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi giá nhà tăng, số người kết hôn sẽ giảm. Hơn nữa, văn hóa làm việc hối hả của Trung Quốc - gọi là “996” (tức làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày mỗi tuần) - khiến người trẻ hầu như không có thời gian cho bản thân, hay năng lượng để đầu tư cho một mối quan hệ tình cảm.

Chia sẻ bài viết