NGUYỆT CÁT
(Theo Korea Herald, CNN)
Tiếng Hàn từng chỉ là ngôn ngữ được sử dụng ở Bán đảo Triều Tiên và trong gần 10 triệu Hàn kiều. Nhưng nhờ sức lan tỏa sâu rộng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc - “Hallyu”, tiếng Hàn những năm gần đây đã trở thành một trong những ngôn ngữ có số lượng học viên phát triển nhanh nhất thế giới.
Một lớp học tiếng Hàn tại Singapore.
Năm 2022, tiếng Hàn xếp thứ 7 trong số những ngôn ngữ được học nhiều nhất trên ứng dụng học ngoại ngữ miễn phí Duolingo - theo báo cáo thường niên của hãng cung cấp ứng dụng này. Tiếng Hàn còn là ngôn ngữ châu Á được học nhiều thứ hai trên Duolingo, chỉ sau tiếng Nhật và xếp trên tiếng Trung, Nga và Hindi. Ngôn ngữ này đặc biệt phát triển nhanh tại một số khu vực Nam Á và Ðông Nam Á, điển hình được học nhiều nhất ở Philippines, Thái Lan, Indonesia và Pakistan.
Theo Hãng thông tấn Yonhap, nhiều quốc gia - bao gồm Lào, Thái Lan và Myanmar - đã đưa tiếng Hàn vào chương trình giảng dạy chính thức. Còn Học viện Vua Sejong - do chính phủ Hàn Quốc thành lập nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa xứ Hàn - đã mở 244 trung tâm dạy Hàn ngữ khắp toàn cầu.
Nhìn chung, sự thành công của làn sóng lan tỏa tiếng Hàn khắp toàn cầu không thể không kể đến công sức của những giáo viên Hàn ngữ đang từng ngày giúp học viên chinh phục ngôn ngữ này.
Muôn vàn lý do học tiếng Hàn
Jiyoung Lee, giáo sư Khoa Nghiên cứu Ðông Á của Ðại học New York (Mỹ), cho biết sự nổi lên của các nền tảng truyền thông xã hội - như Instagram và TikTok - đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế và ảnh hưởng lớn đến số lượng người học tiếng Hàn. Lee cũng nhận thấy có sự khác biệt trong động cơ theo học tiếng Hàn, như sinh viên Mỹ học tiếng Hàn vì quan tâm đến nền văn hóa, hoặc muốn giao lưu với các nghệ sĩ xứ kim chi mà họ yêu thích, trong khi sinh viên Ðông Nam Á học Hàn ngữ chủ yếu để đi làm cho các công ty Hàn Quốc trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, học viên đăng ký học tiếng Hàn vì nhiều lý do, gồm ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hallyu, xuất khẩu lao động, du học, du lịch hoặc theo gia đình định cư xứ kim chi.
Còn tại Singapore, nhiều thanh niên học tiếng Hàn chỉ để giải trí. Cho Joung-youn, người dạy tiếng Hàn ở Singapore từ năm 2019, cho biết học viên của cô chủ yếu là sinh viên đại học và nhân viên văn phòng. Phần lớn họ đi học cho vui vì yêu thích âm nhạc và phim Hàn, chỉ vài người học vì phục vụ nhu cầu cuộc sống. Trong khi đó tại Nhật Bản, đối tượng học viên dần thay đổi và đa dạng hơn trong 20 năm qua, từ sinh viên cho đến những phụ nữ trung niên yêu thích phim ảnh Hàn Quốc. Ðơn cử Chung Hyun-hee, người dạy tiếng Hàn tại Nhật từ năm 2006, cho biết số lượng học viên chỉ là 4 người/lớp khi cô bắt đầu dạy tại trường trung học vào năm 2010. Nhưng chỉ một năm sau, con số đó đã tăng gấp 10 lần lên 40 học viên và tăng hơn 60 vào năm tiếp theo.
Mặc dù vậy, hoạt động giảng dạy Hàn ngữ những năm gần đây cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như nhiều yếu tố chính trị - ngoại giao. Cô Lee Su-jin, giáo viên dạy tiếng Hàn ở Trung Quốc từ năm 2014, đã chứng kiến sự thăng trầm trong mối quan hệ hai nước ảnh hưởng ra sao đến các học viên độ tuổi 20-30. Như khi Trung Quốc cấm tất cả nội dung Hallyu vào năm 2016 vì Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, nhiều sinh viên Trung Quốc đã bỏ học tiếng Hàn. Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi về tình hình chính trị, nhu cầu học tiếng Hàn sẽ không mất đi, bởi vì người Trung Quốc vẫn yêu thích văn hóa đại chúng của Hàn Quốc - theo cô Lee.