07/05/2013 - 21:49

Gia cố ảnh hưởng

Việc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng được mời đi thăm Trung Quốc, dù lệch ngày giờ chút ít, đã cho thấy ý định của Bắc Kinh muốn đóng vai trò tích cực hơn trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông đang lâm vào bế tắc từ nhiều năm qua. Ông Abbas tới Bắc Kinh hôm 5-5 và trở về Palestine ngày 7-5, còn ông Netanyahu đến Thượng Hải hôm 6-5 trước khi thăm Bắc Kinh từ ngày 8-10/5.

Dĩ nhiên, đây là hai chuyến công du riêng lẻ và nhằm mục đích khác nhau. Tổng thống Abbas mong nhận được sự hỗ trợ tài chính và chính trị của Bắc Kinh trong tiến trình hòa giải dân tộc ở Palestine cũng như trên con đường đấu tranh pháp lý thành lập nhà nước Palestine độc lập tại Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, qua chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của nhà lãnh đạo chính phủ Israel kể từ năm 2007, ông Netanyahu muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh và vận động Bắc Kinh ủng hộ Tel Aviv trong các vấn đề Trung Đông khác như Syrie, Iran. Quốc gia đông dân nhất thế giới là đối tác thương mại lớn nhất của nhà nước Do Thái tại châu Á và lớn thứ ba thế giới. Trung Quốc là địa điểm đầu tư nước ngoài lý tưởng của Israel trên các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng mới, khai thác tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp, khoa học đời sống, viễn thông, dược phẩm và khí tài quân sự.

Về phần mình, Trung Quốc muốn cho thế giới thấy rằng Bắc Kinh có khả năng làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Hiện nay, chỉ có "Bộ tứ" Mỹ, Nga, Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu tham gia vào tiến trình hòa bình Trung Đông nhưng chưa phát huy hiệu quả tích cực.

Có điều, Tổng thống Palestine và Thủ tướng Israel đã không tận dụng chuyến đi Trung Quốc để gặp nhau hòa đàm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng tạo mọi điều kiện cần thiết để Tổng thống Abbas và Thủ tướng Netanyahu giáp mặt nếu hai bên có yêu cầu. Đó cũng là cách Bắc Kinh duy trì mối quan hệ cùng lúc với cả Israel lẫn Palestine, đồng thời gia tăng ảnh hưởng và lợi ích của Trung Quốc ở thế giới A-rập-Hồi giáo, nhất là khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ.

KIẾN HÒA (Theo Independent, Chinadaily, Xinhua)

KIẾN HÒA (Theo Independent, Chinadaily, Xinhua)

Chia sẻ bài viết