09/11/2009 - 09:00

G-20 tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, ngày 7-11, Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) ở Scotland (Anh) đã kết thúc sau hai ngày họp với cam kết tiếp tục duy trì gói kích thích kinh tế trị giá 1.000 tỉ USD dù các nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng.

Trong tuyên bố chung 8 điểm đưa ra sau hội nghị, các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng G-20 đã nhất trí cho rằng: “Các điều kiện kinh tế và tài chính đã được cải thiện sau những biện pháp phối hợp của các nước thành viên đối phó với khủng hoảng. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế toàn cầu hiện nay chưa chắc chắn và vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ chính sách; tỷ lệ thất nghiệp cao tiếp tục là vấn đề quan ngại lớn. Để khôi phục nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu, G-20 cam kết tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ cho tới khi sự phục hồi được bảo đảm’’.

Đối với vấn đề chống biến đổi khí hậu, mặc dù Anh kêu gọi các lãnh đạo G-20 thống nhất về cách thức chia sẻ trách nhiệm đóng góp tài chính, giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, song không có một cam kết cụ thể nào được đưa ra. Các bộ trưởng chỉ nhất trí tiếp tục hợp tác để tìm kiếm một giải pháp khả quan tại hội nghị thượng đỉnh tháng 12 tới về chống biến đổi khí hậu do LHQ tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch. Tuyên bố của G-20 chỉ đưa ra những câu chung chung như “G-20 cam kết hành động để đối phó với mối đe dọa của biến đổi khí hậu và cùng phối hợp hướng tới một kết quả tại Copenhagen’’.

Để hội nghị Copenhagen tháng tới có thể đi tới một thỏa thuận về các biện pháp chống biến đổi khí hậu, các nước cần thống nhất nhiều vấn đề, trong đó có việc lập một quỹ hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển muốn có một nguồn tiền khoảng 250 tỉ bảng Anh (khoảng 400 tỉ USD) mỗi năm để thực hiện những biện pháp đối phó với tác động của biến đổi khí hậu và cắt giảm lượng khí thải bằng cách chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng từ gió và mặt trời. Liên minh châu Âu (EU) tuần trước đã nhất trí về một quỹ hỗ trợ trợ 90 tỉ bảng Anh (khoảng 150 tỉ USD) mỗi năm để giúp các nước đang phát triển đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, phần đóng góp cụ thể của mỗi nước vẫn chưa được công bố.

Tại hội nghị G-20, Anh tuyên bố đóng góp 1 tỉ bảng (khoảng 1,6 tỉ USD) mỗi năm vào quỹ này.

 

Chia sẻ bài viết