09/11/2011 - 09:15

Eurozone vẫn bế tắc

Chủ tịch Eurozone Jean-Claude Juncker âu sầu trước tình trạng khó khăn của khu vực.
Ảnh: EPA

Cuộc họp của 17 bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại Brussels (Bỉ) ngày 7-11 đã không mang lại kết quả cụ thể gì để giải quyết những vấn đề nóng hổi về tài chính và nợ công ở khu vực này. Tình trạng bế tắc tiếp tục lan sang cuộc họp cũng ở cấp bộ trưởng tài chính của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 8-11.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp với bộ trưởng tài chính Eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 7-11, người đứng đầu Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) Klaus Regling cho biết việc nâng quỹ này từ 440 tỉ euro lên 1.000 tỉ euro phải đợi đến tháng 12 tới thông qua chính sách tăng cường tín dụng nợ công và thành lập quỹ đầu tư đặc biệt. Trong khi đó, Chủ tịch Eurozone Jean-Claude Juncker nói rằng sự tham gia của IMF và các nền kinh tế có nguồn ngoại hối dồi dào vào EFSF cần chờ đến cuộc họp tiếp theo của bộ trưởng tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào giữa tháng 2 năm sau. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Pháp mới đây, G20 chỉ đồng ý đóng góp vào EFSF thông qua IMF nhưng không nói rõ khi nào và cụ thể ra sao.

Sau Eurozone, các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) lại bắt đầu cuộc họp mới ngày 8-11 với trọng tâm là kêu gọi sự đóng góp của Quỹ Đầu tư châu Âu (EIB) vào các ngân hàng và nhất là sự tham gia ngày càng lớn hơn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thị trường trái phiếu chính phủ trong khu vực. Trong một thông cáo báo chí, EIB cho biết cơ quan này có thể cho vay 74 tỉ euro trong vòng 2 năm tới đối với các ngân hàng có cổ phần trong EIB, kể cả các ngân hàng ở hai nền kinh tế lớn nhất là Đức và Pháp. Số tiền này tuy khá nhỏ so với khoản cho vay đã lên tới hơn 460 tỉ euro của ECB, nhưng nhiều người hy vọng nó có thể góp phần làm giảm áp lực cho các ngân hàng đang gặp nợ xấu khắp châu Âu. Hơn nữa, ECB hiện nay đang đứng trước sức ép phải tăng cường mua trái phiếu chính phủ trong khu vực, dù đã “bơm” 180 tỉ euro vào thị trường bất ổn này tính từ tháng 5-2010 đến nay. Nước đóng góp tài chính lớn nhất là Đức phản đối sự can thiệp ngày càng tăng của ECB, vì cho rằng điều này có thể tổn hại tính độc lập và mục tiêu chống lạm phát của ECB. Các nước khác lại cho rằng ECB phải đóng một vai trò lớn hơn trong quá trình cứu trợ các nước thành viên khi mà EFSF chưa được mở rộng.

Các thông tin trên cho thấy các tổ chức tài chính tại châu Âu đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn và đành dè xẻn trong đầu tư. Thế nên chẳng có gì bất ngờ khi Chính phủ Pháp ngày 7-11 đã công bố các biện pháp mới trong nỗ lực “thắt hầu bao” (tăng thuế, giảm lương và chi tiêu công) trị giá 65 tỉ euro trong 5 năm tới, trong đó có 7 tỉ euro năm 2012 và 11,6 tỉ euro năm 2013. Hồi tháng 8 vừa qua, Pháp cũng đã có kế hoạch giảm chi tiêu 12 tỉ euro đến năm 2012. Mục tiêu của Thủ tướng Francois Fillon là cắt giảm thâm hụt ngân sách của Pháp từ mức 5,7% GDP năm nay xuống còn 3% năm 2013 và 0% vào năm 2016. Hành động mới của Paris được cho là nỗ lực ngăn chặn nợ công nước này có thể bị hạ mức “tín nhiệm vàng” AAA. Tuy nhiên, ông Fillon tuyên bố các biện pháp mà ông cho là “công bằng và cần thiết” này sẽ giúp bảo vệ người dân Pháp tránh khỏi những vấn đề nghiêm trọng mà các nước châu Âu khác đang gặp phải.

Các đảng phái và nghiệp đoàn lao động Pháp phản đối kịch liệt kế hoạch trên. Ông Francois Hollande, ứng cử viên sáng giá của đảng Xã hội trong cuộc đua vào Điện Élysée vào năm tới, cho rằng các biện pháp này là “bất công, thiếu hiệu quả và không chặt chẽ”.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chủ tịch Eurozone Jean-Claude Juncker âu sầu trước tình trạng khó khăn của khu vực. Ảnh: EPA

Chia sẻ bài viết