29/09/2019 - 06:41

EU, Nhật Bản thách thức BRI 

Ngày 27-9, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã ký kết một hiệp định về cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy hợp tác trong các dự án giao thông, năng lượng và kỹ thuật số kết nối châu Âu với châu Á. Đây là kết quả của Diễn đàn kết nối Âu-Á lần đầu tiên được tổ chức, một năm sau khi EU triển khai chiến lược kết nối hai châu lục.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker tại Diễn đàn kết nối Âu-Á ngày 27-9. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker tại Diễn đàn kết nối Âu-Á ngày 27-9. Ảnh: Reuters

Diễn đàn được tổ chức với chủ đề “Kết nối EU - châu Á: Xây dựng cầu nối cho tương lai bền vững”. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là khách mời đặc biệt của diễn đàn và ông đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể. Trong khuôn diễn đàn, Thủ tướng Abe và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã ký kết hiệp định, chính thức hóa sự tham gia của Nhật trong dự án kết nối Âu-Á mới với nguồn quỹ bảo đảm trị giá 60 tỉ euro (khoảng 65,48 tỉ USD). Tài trợ cho dự án này là các ngân hàng phát triển và các nhà đầu tư tư nhân.

Phát biểu tại Diễn đàn kết nối Âu-Á ở thủ đô Brussels (Bỉ), Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “Bất kể là một con đường duy nhất hoặc một bến cảng duy nhất, khi EU và Nhật Bản đảm trách một nhiệm vụ nào đó, chúng tôi có thể xây dựng sự kết nối bền vững và dựa trên pháp luật từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tới khu vực Tây Balkan và châu Phi”. Thủ tướng Nhật Bản cũng khẳng định tầm quan trọng của việc mở ra tuyến đường biển dẫn tới Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.

Về phần mình, Chủ tịch Juncker cũng cam kết sẽ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng “mà không tạo ra hàng núi nợ” hoặc sự phụ thuộc “vào một quốc gia duy nhất”. Ngoài ra, EU và Nhật Bản còn mong muốn thiết lập các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn. Trong hiệp định 10 điểm, EU và Nhật Bản đã cam kết dành “sự quan tâm cao nhất” đối với “năng lực tài chính và nợ bền vững” của các quốc gia. Mặc dù không phải tất cả ngân sách của EU và Nhật Bản sẽ được chi tại châu Á, song EC sẽ đưa việc chi tiêu cơ sở hạ tầng để kết nối với châu Á thành chính sách chính thức trong ngân sách chung của EU.

Mặc dù không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, nhưng phát biểu của Thủ tướng Abe và Chủ tịch EU Juncker đều ám chỉ lo ngại về sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) phát động năm 2013 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tokyo đặc biệt quan ngại BRI chiếm lĩnh các dự án cảng tại châu Á và chi phối các con đường hàng hải quốc tế. “Núi nợ” mà ông Juncker nói đến là các dự án hạ tầng đắt đỏ và đôi khi không cần thiết mà Trung Quốc tài trợ theo BRI khiến một số nước nghèo lâm nợ và phụ thuộc. Tham vọng của BRI là kết nối các dự án xây dựng tại khoảng  65 quốc gia, qua đó tạo nên mạng lưới đường bộ, đường sắt và đường biển từ Đông Nam Á, Trung Á đến Trung Đông, châu Âu và châu Phi.

Bắc Kinh cho biết tổng giá trị giao dịch thương mại giữa các nước tham gia BRI là 5.000 tỉ USD và liên kết 62% dân số thế giới. Tổng GDP của các nước này khoảng 23.000 tỉ USD, tương đương 1/3 GDP toàn cầu. Để hiện thực BRI, Trung Quốc đã thành lập ba thiết chế tài chính gồm Quỹ Con đường Tơ lụa (SRF) với số vốn dự tính ban đầu 40 tỉ USD, Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB) với nguồn vốn 100 tỉ USD và Ngân hàng Phát triển mới (NDB) khởi đầu với số vốn 50 tỉ USD. Giới phân tích cho rằng tham vọng của BRI là lôi kéo các nước xích lại gần hơn theo quỹ đạo địa kinh tế, chính trị và chiến lược của Trung Quốc.

Việt Nam với Diễn đàn

   kết nối Âu - Á

Ngày 27-9, Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam - do đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu - đã dự Diễn đàn kết nối Âu - Á do EC tổ chức. Tham dự diễn đàn có hơn 1.400 lãnh đạo, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, và giới học giả các nước EU và châu Á. 

Trong phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker khẳng định sự kết nối đã trở thành “ADN của châu Âu” và là yếu tố cần thiết trong bối cảnh các nước trên thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, những thách thức chung mà các nước đang phải đối phó và sự phát triển của khoa học công nghệ. Theo ông Juncker, sự kết nối cần phải đảm bảo bền vững về môi trường, tài chính và xã hội, trên cơ sở tôn trọng một trật tự quốc tế đa phương dựa trên luật pháp quốc tế và được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực như hệ thống giao thông vận tải, kinh tế số, trao đổi học thuật, thương mại..., trong đó bao gồm cả việc thúc đẩy các hiệp định thương mại thế hệ mới mà EU đã ký với Nhật Bản, Singapore và Việt Nam.

Trong phát biểu chính tại phiên Kết nối về mặt kinh tế, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình bày tỏ sự ủng hộ của Việt Nam đối với những nỗ lực kết nối Âu - Á của EU, cho rằng sáng kiến này mang lại một sự lựa chọn nữa cho các nước châu Á, đồng thời khẳng định sự kết nối này phải đảm bảo tính bền vững, toàn diện và dựa trên luật pháp quốc tế.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng đã giới thiệu về những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được sau hơn 30 năm Đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế; khẳng định với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối kết nối EU với ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, để khai thác đầy đủ những tiềm năng hợp tác giữa hai bên, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả hai châu lục và trên toàn thế giới.

Để kết nối Âu - Á thành công, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh phải đảm bảo tính thống nhất trong sự đa dạng về văn hóa, lịch sử và thể chế; đồng thời trong bối cảnh có những hành động đơn phương đang làm xói mòn lòng tin, leo thang căng thẳng, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của nước khác, hai châu lục cần tăng cường đối thoại, tin cậy lẫn nhau, thống nhất trong nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực và tuân thủ nghiêm túc luật lệ quốc tế. Bài phát biểu của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình được hoan nghênh nhiệt liệt và được nhiều khán giả quan tâm đặt câu hỏi trong phiên thảo luận sau đó.

ĐỨC TRUNG (Theo SCMP, Reuters, TTXVN)

Chia sẻ bài viết