12/04/2014 - 21:30

EU có thể “cấp cứu” khí đốt cho Ukraina?

Biểu tình vẫn đang tiếp diễn tại một số khu vực ở Ukraina. Ảnh: AFP

Lo ngại trước khả năng Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt, chính quyền lâm thời Ukraina đã viện đến sự hỗ trợ năng lượng khẩn cấp từ Liên minh châu Âu (EU), dù điều này được coi là bất khả thi.

Quyền Bộ trưởng Năng lượng Yuri Prodan trong bài phát biểu trước Quốc hội Ukraina hôm 11-4 tỏ ý tin tưởng rằng EU sẽ đứng về phía Kiev nếu Mát-xcơ-va cắt đứt nguồn cung khí đốt để đòi nợ. Theo ông Prodan, Ukraina hiện đang khẩn trương đàm phán với EU về việc mua ngược dòng chảy khí đốt từ châu Âu để khôi phục lượng dự trữ hiện còn rất thấp của nước này một khi Nga chấm dứt hoàn toàn hợp đồng khí đốt tự nhiên. Kiev hy vọng có thể hợp tác với tập đoàn năng lượng RWE của Đức và GDF Suez của Pháp. Ngoài ra, ông Prodan cho biết Ukraina có thể nhận được một lượng nhỏ khí từ Ba Lan, Hungary và hy vọng nguồn cung lớn hơn từ Slovakia mặc dù vẫn còn nhiều "vấn đề chính trị" cần được giải quyết, cụ thể là tính hợp pháp của việc mua lại khí đốt của châu Âu. Theo ông Prodan, Ukraina hiện có khoảng 7 tỉ mét khối khí đốt trong kho dự trữ trong khi phải cần 14-15 tỉ mét khối để đảm bảo trung chuyển khí đốt cho châu Âu. Hiện tại, Slovakia đang kêu gọi các cuộc đàm phán với Ukraina, Nga và Ủy ban châu Âu để đảm bảo việc nước này có thể xuất khẩu khí đốt cho Kiev mà không vi phạm hợp đồng hiện tại.

Ủy viên Năng lượng châu Âu Guenther Oettinger cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của tuyến đường ống khí đốt liên kết quá cảnh qua Ukraina để đảm bảo nguồn cung cho EU. Ông Oettinger cho rằng đây là cách EU giúp công ty khí đốt quốc gia Ukraina Naftogaz đảm bảo khả năng thanh toán nợ cho tập đoàn Gazprom của Nga và qua đó giúp bình ổn giá dầu khí cho Kiev. Phía Nga cũng cho biết Ukraina cần EU hỗ trợ ít nhất 5 tỉ USD để xây dựng kho dự trữ khí đốt chiến lược như vậy.

Tuy nhiên, các số liệu cho thấy EU không có đủ nguồn năng lượng trong nước để bán lại cho Ukraina, quốc gia đang phụ thuộc 80% khí đốt của Nga. Mặt khác, Ukraina không phải là thành viên EU nên các quốc gia như Slovakia không thể hy sinh lợi ích chính trị của mình với nước Nga.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AFP, Guardian)

Miền Đông Ukraina chưa yên

Bất chấp cam kết của quyền Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk trao quyền lớn hơn cho các khu vực bằng hiến pháp sắp sửa đổi, những người biểu tình ủng hộ Nga ngày 12-4 vẫn tiếp tục chiếm giữ các tòa nhà chính phủ tại các tỉnh miền Đông có đa số người nói tiếng Nga. Quyền Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov cho biết một cơ quan cảnh sát tại thành phố Slaviansk cũng đang bị một nhóm vũ trang kiểm soát.

Chia sẻ bài viết