11/09/2008 - 10:42

EU chưa vội kết nạp Ukraina

Tổng thống Ukraina Yushchenko (phải), Tổng thống Pháp Sarkozy (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso tại hội nghị thượng đỉnh ngày 9-9. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraina diễn ra tại Pháp ngày 9-9 kết thúc với một tuyên bố chung quan trọng, trong đó EU cam kết sẽ đàm phán và ký kết “hiệp ước hội nhập” với Ukraina vào cuối năm 2009, đồng thời công nhận Ukraina là một “quốc gia châu Âu có cùng nguồn gốc lịch sử, giá trị và khát vọng với các nước EU”. Theo các nhà lãnh đạo EU, đây là bước tiến mới trong quan hệ giữa EU và Ukraina, sau quá trình phấn đấu của Kiev trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác và Hợp tác, bắt đầu có hiệu lực từ năm 1998. Tổng thống Ukraina Viktor Yushchenko hoan hỉ nói rằng hội nghị thượng đỉnh năm nay đánh dấu cột mốc lịch sử và mang tính xây dựng nhất trong các kỳ họp giữa hai bên.

Dự kiến, “hiệp ước hội nhập” sẽ giúp EU và Ukraina tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị, phát triển chính sách đối ngoại và an ninh, đẩy mạnh giao lưu thương mại, hợp tác tư pháp và tự do nhập cảnh. Hiện nay, EU là bạn hàng, nhà đầu tư nước ngoài và viện trợ lớn nhất của Ukraina. Trong khi đó, Ukraina là đối tác thương mại đứng hàng thứ 16 của EU. Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều đạt hơn 34 tỉ USD năm 2007.

Tuy nhiên, việc các nhà lãnh đạo EU chỉ đồng ý tiến hành đàm phán “hiệp ước hội nhập” mà không đưa ra thời hạn cho phép Ukraina gia nhập EU chứng tỏ có sự bất đồng rất lớn trong nội bộ 27 quốc gia thành viên khối này. Cuộc khủng hoảng chính trị trong liên minh cầm quyền thân phương Tây tại Ukraina là một lý do. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là EU không muốn làm trầm trọng thêm quan hệ đang căng thẳng với Nga, nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho châu Âu. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Chủ tịch luân phiên EU, tuyên bố EU ủng hộ mạnh mẽ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, nhưng ông cũng lưu ý rằng không có bất kỳ dấu hiệu nào đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, nơi có cộng đồng người gốc Nga khá đông đảo đang sinh sống.

Liên quan tới “hiệp ước hội nhập”, ông Sarkozy cũng nói nước đôi rằng “hiệp ước này không khép lại, mà cũng không mở ra bất cứ con đường nào” (liên quan tới việc kết nạp Ukraina vào EU). Rõ ràng, cũng như Gruzia, Ukraina được Brussels đặt lên bàn cân và dễ dàng thấy rằng mối quan hệ với các nước này chưa đủ lớn để họ hy sinh quan hệ đối tác với Mát-xcơ-va, ít ra là trong lúc này.

PHÚC NGUYÊN (Theo AFP, FT)

Chia sẻ bài viết