19/05/2008 - 23:05

Xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề

Đường còn dài...

Theo đánh giá của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng lao động qua đào tạo nghề thấp là do đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu, yếu. Trong khi đó, mục tiêu của thành phố từ nay đến năm 2010 là phải đạt 43,24% lao động qua đào tạo nghề. Để đạt được mục tiêu này, vấn đề quan trọng là phải qui hoạch, xây dựng phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề. Tuy nhiên, công việc này đang gặp không ít khó khăn, thách thức…

Hụt hẫng cán bộ, giáo viên

Tại Trung tâm Dạy nghề (TTDN) huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, anh Nguyễn Thế Vũ, giáo viên dạy Tin học, làm việc không ngơi tay. Lúc thì anh phải kiểm tra hồ sơ, văn bản liên quan đến tuyển sinh, kế hoạch tổ chức lớp học; khi thì xem lại bài giảng, bố trí giờ học của lớp Tin học do anh phụ trách giảng dạy. Anh Vũ cho biết: “Trung tâm chưa có cán bộ phụ trách đào tạo nên tôi kiêm luôn khâu này. Ngoài ra, tôi còn có nhiệm vụ liên hệ với các địa phương để thông báo chiêu sinh, mở lớp”. Hiện nay, TTDN huyện Vĩnh Thạnh có 3 biên chế: phó giám đốc, kế toán và giáo viên. Vì thế, ngoài công tác giảng dạy, anh Vũ phải kiêm nhiệm những công việc khác của trung tâm.

 Giờ học của học viên lớp Hàn ở TTDN huyện Cờ Đỏ, do giáo viên Trường THCĐ Đông Nam bộ giảng dạy. 

Theo bà Huỳnh Xuân Trúc, Phó Giám đốc TTDN huyện Vĩnh Thạnh, do đội ngũ giáo viên của trung tâm vừa thiếu, vừa yếu, nên Trung tâm phải mời một số giáo viên dạy May Công nghiệp, Điện Dân dụng ở Trường Dạy nghề số 9, TTDN huyện Thốt Nốt... về giảng dạy. Năm 2008, Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ giao trung tâm đào tạo thêm 3 nghề mới: Hàn, Tiện, Tin học, nhu cầu về giáo viên dạy các nghề này lại càng bức bách hơn. Bà Huỳnh Xuân Trúc, cho biết: “Hiện nay, trung tâm đã được Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ trang bị một số máy hàn, tiện, may công nghiệp nhưng vẫn chưa có cán bộ chuyên môn để sử dụng, giảng dạy”.

Huyện Cờ Đỏ cũng lâm vào hoàn cảnh có thiết bị nhưng không có người sử dụng. Ông Đào Minh Lợi, Giám đốc TTDN huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Lực lượng giáo viên của trung tâm chỉ có thể đảm bảo đào tạo các nghề Điện, Chăn nuôi thú y và Tin học. Máy hàn, tiện của Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ trang bị cho trung tâm vẫn phải “trùm mền” do không có người sử dụng”.

Ngay cả Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ- một trong những cơ sở đào tạo nghề lớn nhất của ĐBSCL- cũng lâm vào hoàn cảnh thiếu giáo viên. Bà Nguyễn Mỹ Loan, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Với 53 giáo viên như hiện nay, lực lượng giáo viên của trường chỉ đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo. Vì vậy, khi trường đưa giáo viên đi học nâng cao trình độ lại gặp áp lực trong việc bố trí giảng dạy”. Còn theo ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ điện và Kỹ thuật Nông nghiệp (THCĐ&KTNN) Nam bộ, mặc dù 100% giáo viên của trường đạt chuẩn sư phạm, 22% cán bộ giáo viên có trình độ sau đại học... nhưng số giáo viên biết sử dụng máy tính, truy cập thông tin phục vụ cho bài giảng và tiếp cận khoa học, kỹ thuật công nghệ vẫn còn hạn chế.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, hiện nay, toàn thành phố có 41 trường, TTDN và cơ sở có tham gia đào tạo nghề. Đa số các trường, cơ sở đào tạo nghề tập trung trên địa bàn quận Ninh Kiều. Các cơ sở đào tạo nghề có 341 giáo viên cơ hữu. Trong đó, chỉ có 28 giáo viên có trình độ trên đại học, chiếm tỷ lệ 6,07%; 313 giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học, chiếm tỷ lệ 67,9%. Ông Lê Văn Diện, Trưởng phòng Quản lý- Đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, đánh giá: “Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên dạy nghề ở các cơ sở, nhất là các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập, còn thiếu và yếu. Chỉ có khoảng 50% giáo viên qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm bậc I. Ở một số TTDN, chỉ có 2-3 giáo viên cơ hữu. Đội ngũ thiếu và yếu gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo”.

Tìm lối ra...

Tại Hội nghị Tổng kết công tác dạy nghề giai đoạn 2004 - 2007 và triển khai nhiệm vụ đến năm 2010 của TP Cần Thơ, tổ chức vào tháng 4-2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến việc qui hoạch, phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề của TP Cần Thơ. Theo ông, lực lượng này hiện vẫn còn thiếu và yếu. Nếu thành phố không tích cực qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề sẽ không đẩy mạnh được công tác đào tạo nghề cho TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, các TTDN quận, huyện phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở, doanh nghiệp để mời giảng. Chẳng hạn, TTDN huyện Cờ Đỏ và TTDN huyện Vĩnh Thạnh thỉnh giảng giáo viên của Trường Dạy nghề số 9, Trường THCĐ Nam Bộ, Trường THCĐ&KTNN Đông Nam bộ,... Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Xuân Trúc, Phó Giám đốc TTDN huyện Vĩnh Thạnh, do trung tâm ở khá xa nội ô thành phố lại chưa có cơ sở vật chất riêng nên rất khó thu hút giáo viên.

Tạo điều kiện cho giáo viên học ngoại ngữ, tin học, Trường THCĐ&KTNN Nam Bộ tổ chức các lớp hướng dẫn truy cập internet, nâng cao kỹ năng truy cập mạng... tại trường. Trường cũng chủ động đưa giáo viên đi đào tạo bằng nhiều hình thức: học nâng chuẩn, bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn... trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng THCĐ&KTNN Nam bộ, vẫn băn khoăn: “Trường ở xa trung tâm thành phố, điều kiện đi lại khó khăn, hạn chế trong giao tiếp để giáo viên nâng cao kỹ năng sử dụng ngoại ngữ. Mặt khác, sự phối hợp giữa trường và doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận khoa học- kỹ thuật vẫn còn hạn chế”. Kinh phí đào tạo cũng là một trong những vấn đề khiến không ít các trường đau đầu khi định mức phân bổ đầu tư của Tổng Cục Dạy nghề vẫn còn ở mức cũ, không phù hợp trong giai đoạn hiện nay, gây khó khăn về kinh phí đưa giáo viên đi học.

***

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, từ năm 2004 đến 2007, Sở đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho hơn 250 lượt giáo viên dạy nghề. Theo lộ trình từ nay đến năm 2010, TP Cần Thơ cần đào tạo, tuyển mới 300 giáo viên dạy nghề. Để đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề cho TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận, thành phố đang xúc tiến thủ tục thành lập Khoa Sư phạm tại Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ. Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi trường nỗ lực, linh động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cơ hữu, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để giáo viên có thể tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến... Có như vậy mới xây dựng được đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, vững về chất lượng.

Bài, ảnh: B. NGỌC

Chia sẻ bài viết