07/02/2013 - 16:14

Được cả thời lẫn thế

Tổng thống Ai Cập Morsi (phải) ra tận sân bay đón Tổng thống Iran Ahmadinejad. Ảnh: cri.cn

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 5-2 đã đến Cairo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Ai Cập trong 3 ngày. Đây là chuyến công du Ai Cập đầu tiên của một vị đứng đầu nhà nước Iran kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã ra tận sân bay đón ông Ahmadinejad. Hai nhà lãnh đạo cũng đã có cuộc trao đổi ngắn về thúc đẩy quan hệ song phương và giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syrie. Trong cuộc gặp, Tổng thống Mosri đã gọi Iran là “một quốc gia quan trọng” và thêm rằng cuộc khủng hoảng tại Syrie không thể giải quyết được nếu không có sự can dự của Iran trong nỗ lực cải thiện tình hình ở quốc gia này. Còn Tổng thống Iran Ahmadinejad thì mô tả Iran và Ai Cập như hai quốc gia có ảnh hưởng tại khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng quan hệ giữa hai nước.

Có thể nói, quan hệ giữa Iran và Ai Cập đã gặp không ít sóng gió. Iran đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ai Cập vào năm 1980, tức ngay sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, để đáp trả việc Ai Cập ký thỏa thuận hòa bình với Israel và ban quy chế tị nạn chính trị cho cựu độc tài Iran Mohammed Reza Pahlavi. Trong một thời gian dài, Ai Cập dưới thời Hosni Mubarak – người tiền nhiệm của Tổng thống Morsi, vẫn coi Iran là “nhân tố gây bất ổn tại Trung Đông”. Mãi tới sau cuộc nổi dậy tại Ai Cập vừa qua, làm sụp đổ chế độ của Tổng thống Mubarak và tạo điều kiện cho tổ chức Huynh đệ Hồi giáo của ông Morsi lên nắm quyền, mối quan hệ hai nước mới được “phá băng”. Tháng 8 năm rồi, ông Morsi thăm Iran nhân chuyến công du tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không Liên kết (NAM). Đó cũng là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Ai Cập đến Iran trong hơn 3 thập niên qua.

Giới phân tích cho rằng việc xích lại gần nhau trong lúc này có lợi cho cả Ai Cập lẫn Iran. Với Cairo, quan hệ với Iran sẽ tạo thế cân bằng chiến lược trong khu vực, nâng cao vị thế, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Thắt chặt quan hệ với Iran sẽ mang lại cho Ai Cập “chìa khóa” để cải thiện vị thế và đa dạng hóa các mối quan hệ trong khu vực. Theo các nhà phân tích, Ai Cập không thể khẳng định vị thế cường quốc khu vực nếu không duy trì quan hệ với tất cả các nước lớn tại khu vực. Do đó, hợp tác với Tehran sẽ mở đường cho Ai Cập trở thành một phần của thế cân bằng chính trị trong khu vực địa chiến lược trải dài từ Iraq đến Liban. Còn Tehran, giới phân tích nhận định có quan hệ tốt với “láng giềng gần” sẽ mở rộng thêm mặt trận mới với đồng minh được củng cố, nhất là khi Tehran đang trong bối cảnh bị bao vây, cấm vận từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, qua đó, Tehran sẽ thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với thế giới A-rập và cho phép chính quyền của Tổng thống Ahmadinejad linh hoạt hơn trong xử lý các mối quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh.

Rõ ràng, Iran và Ai Cập có cả thời lẫn thế để làm ấm lại mối quan hệ song phương vốn có lợi cho cả đôi bên.

NHẬT QUANG

Tổng thống Ai Cập Morsi (phải) ra tận sân bay đón Tổng thống Iran Ahmadinejad. Ảnh: cri.cn

Chia sẻ bài viết