03/03/2011 - 08:55

Đừng đổ thêm dầu vào lửa

Liên minh châu Âu (EU) vừa áp đặt lệnh cấm vận vũ khí chống Libye, quốc gia mà EU xuất khẩu thiết bị vũ trang hàng trăm triệu euro mỗi năm. Giới quan sát cho rằng các loại súng đạn của EU thời gian qua đã được chính quyền của Tổng thống Muammar Gadhafi sử dụng để trấn áp làn sóng nổi dậy giành quyền lực của phe đối lập, khiến dư luận nhiều nước châu Âu lên tiếng chỉ trích đòi lãnh đạo các nước này phải đình chỉ các hợp đồng bán vũ khí cho Libye. Điều cốt lõi của lệnh cấm vũ khí mà EU áp đặt chống Tripoli là nhằm hạn chế bớt mức độ tan thương do cuộc xung đột bạo lực gây ra. Ấy thế mà chỉ ngay sau khi lệnh cấm ấy có hiệu lực, giới cầm quyền ở Anh, một thành viên của EU, tuyên bố rằng họ có thể trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở Libye. Theo Thời báo Tài chính của Anh số ra ngày 1-3, trong bài phát biểu tại Hạ viện Anh, Thủ tướng David Cameron nói rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là lật đổ Muammar Gadhafi và rằng chính phủ của ông có thể vũ trang cho phe chống chính quyền ở Libye.

Hãng tin Anh Reuters ngày 2-3 cho biết Anh đang nỗ lực đưa tình hình bất ổn ở Libye vào chương trình nghị sự cuộc họp thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào ngày 11-3 tới với mục đích tìm “phản ứng chung” (trên danh nghĩa của EU) đối với vấn đề ở quốc gia Bắc Phi này. Nhiều nguồn tin cho biết đồng minh của Anh ở bên kia bờ Đại Tây Dương là Mỹ đang chuẩn bị việc can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở Libye với việc tàu đổ bộ tấn công của nước này USS Kearsarge, chở theo hàng trăm lính thủy đánh bộ, cùng hai tàu hải quân khác đang hướng tới Libye từ hôm 1-3. Nội dung một trong các kịch bản “can thiệp quân sự” của Mỹ là không loại trừ khả năng Lầu Năm Góc thực hiện những cú đánh trọng điểm hỗ trợ cho “chính phủ lâm thời”, được phe đối lập dựng lên tại thành phố đông dân thứ hai của Libye là Benghazi. Và cũng giống như Anh, Mỹ không loại trừ việc cung cấp vũ khí cho “chính phủ” này để đối phó Tổng thống Muammar Gadhafi.

Mỹ và Anh là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Có điều không phải thành viên nào của NATO cũng ủng hộ cách họ giải quyết vấn đề Libye. Một số nước NATO tỏ ra không sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với Mỹ trước hậu quả mà các hoạt động quân sự tại Libye có thể gây ra. Đặc biệt, Đức đã tế nhị bày tỏ để đối tác bên kia bờ đại dương hiểu rằng, cho đến lúc này vẫn chưa hết hẳn các phương pháp giải quyết xung đột, đừng đổ thêm dầu vào lửa. Pháp cũng thể hiện quan điểm tương tự, bởi các nhà phân tích cho rằng chưa cần nói tới sự tham gia trực tiếp, mà chỉ riêng việc Paris chấp thuận ngấm ngầm hoạt động quân sự ở Libye cũng đủ làm lung lay vị thế của quốc gia này ở Bắc Phi.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng rõ ràng phản đối sự can thiệp quân sự nước ngoài vào Libye. Theo ông Lavrov, vấn đề ở đất nước này, cũng như các quốc gia khác ở Bắc Phi và Trung Đông, phải do chính dân tộc của họ giải quyết, không có sự ép buộc từ bên ngoài, thông qua các cuộc đối thoại trong nước và sự đồng thuận của cả xã hội.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết