03/07/2022 - 07:24

Dự phòng 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con 

HUỆ HOA

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm riêng tại khu vực Tây Thái Bình Dương có khoảng 180.000 trẻ bị nhiễm viêm gan virus B, 13.000 trẻ bị nhiễm giang mai và 1.400 trẻ bị nhiễm HIV, trong khi các bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý điều trị phụ nữ có thai và tiêm chủng cho trẻ ngay sau sinh.

Bác sĩ tư vấn cho phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh: BV Phụ sản Cần  Thơ.  

Xét nghiệm mẹ: lợi cho cả mẹ và con

Việt Nam đã xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030” với mục tiêu tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030.

Nếu mẹ nhiễm viêm gan B, 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV từ mẹ sẽ chuyển thành viêm gan B mạn tính, khoảng 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan nếu không được can thiệp dự phòng.

Với HIV, nếu không có các can thiệp dự phòng thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trước sinh (mang thai) là 25%, trong sinh (chuyển dạ) là 50% và sau sinh (khi cho con bú) là 25%.

Giang mai có thể gây thương tổn ở da, niêm mạc, cơ xương khớp, tim mạch và thần kinh, gây sinh non, sẩy thai, thai chết lưu. Ở phụ nữ mang thai bị nhiễm giang mai, nếu không được điều trị có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng, một nửa bị thai chết lưu và thai chết ngay khi sinh; một nửa sinh non hoặc con sinh ra bị dị tật do giang mai, gọi là giang mai bẩm sinh.

Lợi ích của việc xét nghiệm HIV, viêm gan B và giang mai khi mang thai là để xác định được bản thân có bị nhiễm bệnh hay không, được tư vấn và tiếp cận với các can thiệp dự phòng lây truyền bệnh từ mẹ sang con.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, để phòng tránh lây truyền 3 bệnh này từ mẹ sang con, việc xét nghiệm sàng lọc là vô cùng quan trọng. Tại Cần Thơ, các trạm y tế lồng ghép hoạt động tư vấn về phòng lây truyền mẹ con và lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc HIV, giang mai và viêm gan B cho phụ nữ mang thai vào hoạt động tiêm chủng; tư vấn để được xét nghiệm trong 3 tháng đầu thai kỳ; phối hợp theo dõi phụ nữ mang thai nhiễm HIV tại cộng đồng; chuyển tiếp mẹ và trẻ đến các phòng khám ngoại trú người lớn và trẻ em.  

1 mẫu máu, sàng lọc 3 bệnh

Tại TP Cần Thơ, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được triển khai từ năm 2009. Việc tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai đã được mở rộng đến các trạm y tế, bệnh viện, Trung tâm Y tế. Nếu phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV, thai phụ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, kết nối chuyển gửi đến các phòng khám ngoại trú nhằm tiếp cận điều trị ARV sớm.

Ngoài ra, hiện nay tại 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố, phụ nữ khi đến khám thai ở các trạm y tế, ngoài việc được tư vấn, lấy máu xét nghiệm nhanh HIV, thai phụ còn được xét nghiệm nhanh thêm bệnh giang mai và viêm gan B. CDC Cần Thơ hiện có hỗ trợ sinh phẩm cho các quận, huyện triển khai xét nghiệm nhanh 3 bệnh này cho phụ nữ mang thai. Mỗi phụ nữ mang thai chỉ lấy mẫu máu một lần/thai kỳ và được làm xét nghiệm sàng lọc miễn phí cả 3 bệnh.

Theo thống kê của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (CDC Cần Thơ), trong quý I-2022, tuyến xã, phường đã thực hiện tư vấn, xét nghiệm HIV, giang mai, viêm gan B cho 1.901 phụ nữ mang thai. Trong đó, phát hiện 1 trường hợp nhiễm giang mai, 11 trường hợp nhiễm viêm gan B. Ngoài ra, sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai tại bệnh viện, phát hiện 3 trường hợp nhiễm HIV. Tất cả phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm giang mai, viêm gan B và HIV trên địa bàn thành phố đều được can thiệp điều trị dự phòng.

Theo Khoa Sức khỏe sinh sản (CDC Cần Thơ), phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm sàng lọc 3 bệnh này càng sớm càng tốt, hiệu quả dự phòng lây truyền từ mẹ sang con càng cao. Nếu không được xét nghiệm trong thời gian mang thai thì cần được xét nghiệm trước khi chuyển dạ. Phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với một trong 3 bệnh HIV, HBV và giang mai, cần được tư vấn về nguy cơ lây truyền cho con, các biện pháp dự phòng, sự cần thiết của việc điều trị sớm cho họ và con của họ, giới thiệu bạn tình hoặc chồng của họ đến cơ sở y tế để được tư vấn xét nghiệm và điều trị.     

Chia sẻ bài viết