10/04/2011 - 09:38

Du khách bác ái !

Giáo sư Gold và những đứa trẻ ở một khu ổ chuột tại Thái Lan được “100 Friends”
tài trợ học phí. Ảnh: CSM

Hơn 20 năm qua, bước chân của Marc Gold, giáo sư người Mỹ đã nghỉ hưu, đều in dấu khắp châu Á và châu Phi, từ Ấn Độ, Afghanistan, Campuchia, Việt Nam đến Ethiopie và Malawi. Ông đến những vùng đất này không phải để thưởng lãm phong cảnh mà là theo đuổi sứ mệnh mà ông tự đặt ra cho mình: du lịch bác ái. “Tôi đến những nơi có người nghèo” - giáo sư Gold quê ở San Francisco cho biết. Ông cuốc bộ trên những con đường lầy lội đến làng quê hẻo lánh ở Trung Quốc, len lỏi vào những khu nhà ổ chuột tại Ấn Độ hay xắn tay phụ giúp những người thu gom rác ở Indonesia. Bất cứ nơi nào ông đến, Gold đều sẵn lòng giúp đỡ người dân nghèo nơi đó. Lúc thì ông tặng banh và bút, màu vẽ cho trẻ em cô nhi viện tại Trung Quốc, khi thì phụ giúp một bà lão ở Indonesia mở cửa hiệu buôn bán nhỏ hoặc mua gạo để dành ăn một năm cho phụ nữ bị bạo hành tại Ấn Độ.

Ý tưởng phải làm một cái gì đó, dù nhỏ, để giúp đỡ những người cơ cực nhen nhóm trong một lần ông du lịch đến vùng núi Darjeeling của Ấn Độ. Lần đó ông kết thân một gia đình trẻ ở địa phương và nhìn thấy cô vợ có gì đó không ổn ở đôi tai. Cho là chị vợ có thể bị nhiễm trùng tai dạng nặng, Gold tìm bác sĩ cho người đó. Không những trả tiền thuốc men, ông còn bỏ tiền mua máy trợ thính cho vợ anh bạn của mình. Tổng cộng ông chỉ tốn 31 USD. Chứng kiến niềm vui khôn tả của chị vợ khi được nghe trở lại, giáo sư Gold nhận ra rằng ông có khả năng giúp thay đổi cuộc sống của người nghèo.

Trở về Mỹ, ông kêu gọi 100 người bạn mỗi người góp chút ít tiền. Không lâu sau khi có được 2.200 USD, ông quay trở lại Ấn Độ và thành lập tổ chức từ thiện lấy tên là “100 Friends” (100 người bạn). Đến nay, “100 Friends” thu hút khoảng 4.000 thành viên trên khắp thế giới. Năm ngoái, số tiền tổ chức này được các nhà hảo tâm ủng hộ lên đến 200.000 USD. Hiện nay, ông tiếp tục kêu gọi sự trợ giúp của mọi người thông qua văn phòng di động của mình: máy tính xách tay - máy quay phim – điện thoại di động.

Ngoài việc tận tay giúp đỡ người nghèo khổ, ông còn đứng ra xây trường lớp ở Afghanistan, Ethiopie, Myanmar, Campuchia; tặng sách cho các thư viện ở Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia. Ông mua chăn ấm cho trẻ mồ côi ở Malawi (châu Phi), tặng 500 xe lăn cho người khuyết tật ở Việt Nam. Tại Campuchia, ông từng giúp một nạn nhân bom mìn học nghề thay vì phải ăn xin. Ở Nepal, giáo sư Gold đứng ra bảo trợ việc học của 150 bé gái giúp chúng thoát khỏi cảnh ở đợ.

Mặc dù hết lòng giúp đỡ những người khổ cực nhưng Gold luôn có một nguyên tắc: ông muốn những người từng được ông phụ giúp “đền đáp” ông bằng cách khi có điều kiện hãy giúp đỡ những người nghèo khó khác. Chẳng hạn, một ngư dân ở tỉnh Aceh (Indonesia), từng được ông hỗ trợ sửa chữa chiếc tàu bị trận sóng thần hồi tháng 12-2004 phá hủy, nay là mạnh thường quân của những gia đình nghèo.

“Ông ấy khuyên tôi đừng cố làm chuyện gì to tát, hãy giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình”, Dwight Turner – giáo viên ở Atlanta (Mỹ) từ chỗ ấn tượng trước tấm lòng bác ái của giáo sư Gold đã đứng ra lập dự án thiện nguyện dành cho trẻ em ở các khu ổ chuột tại Bangkok.

THIÊN LAM
(Theo Christian Science Monitor)

Giáo sư Gold và những đứa trẻ ở một khu ổ chuột tại Thái Lan được “100 Friends” tài trợ học phí. Ảnh: CSM

Chia sẻ bài viết