28/05/2023 - 19:33

Đức và Hàn Quốc xích lại gần nhau 

BÌNH DƯƠNG

Với hiệp ước bảo vệ bí mật quân sự ký kết gần đây, Berlin và Seoul muốn tăng cường năng lực quốc phòng của hai nước trong bối cảnh xung đột tại Ukraine và những căng thẳng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Đức Scholz (trái) bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại cuộc họp báo chung ở Seoul ngày 21-5.  Ảnh: Yonhap

Thủ tướng Đức Scholz (trái) bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại cuộc họp báo chung ở Seoul ngày 21-5.  Ảnh: Yonhap

Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 21-5, hai bên đã ký kết một hiệp ước quan trọng mà Tổng thống Yoon Suk-yeol mô tả là nhằm bảo vệ bí mật quân sự và vận hành trơn tru chuỗi cung ứng công nghiệp quốc phòng, giữa lúc CHDCND Triều Tiên ngày càng phát triển rộng chương trình vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước được công bố nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Scholz, ngay sau khi ông dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tại Nhật Bản. Tại thủ đô Seoul, Tổng thống Yoon và ông Scholz đã thảo luận nhiều vấn đề, như thách thức an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu, xung đột Nga - Ukraine. Đặc biệt, quan hệ kinh tế cũng là trọng tâm của chuyến thăm, khi Berlin đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và mở rộng quan hệ với các nước châu Á khác. Thủ tướng Scholz hy vọng Hàn Quốc sẽ chú trọng đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất chip của Đức, lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng sạch. Ông Scholz là Thủ tướng Đức đầu tiên tới Seoul trong vòng 30 năm qua.

Có nhiều điểm chung

Về khoảng cách địa lý, Đức và Hàn Quốc cách xa nhau hơn 8.000km nhưng việc có chung những lợi ích và giá trị cũng như lãnh thổ từng bị chia cắt đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn.

Vào năm 1949, lãnh thổ Đức bị chia cắt thành Đông Đức và Tây Đức bởi phe đồng minh giành chiến thắng trong Thế chiến thứ hai. Trong khi đó, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành Triều Tiên và Hàn Quốc sau cuộc chiến 1950-1953. Sự kiện bức tường Berlin, ngăn cách phần Đông và Tây thành phố, sụp đổ đã dẫn đến thống nhất nước Đức vào tháng 10-1990.

“Dựa trên những trải nghiệm lịch sử chung, Hàn Quốc và Đức đang hướng tới sự hợp tác nhiều hơn trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và trao đổi giữa nhân dân hai nước”, Đại sứ Hàn Quốc tại Đức Kim Hong-kyun chia sẻ với tờ DW. Đáp lại, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức đánh giá Hàn Quốc là đối tác quan trọng của Đức và là tiếng nói có cùng chí hướng quan trọng trên trường quốc tế.

Nếu trước đây bang giao giữa Đức và Hàn Quốc bị chi phối bởi đầu tư và thương mại, thì nay quan hệ song phương còn bị ảnh hưởng bởi vấn đề an ninh. Hai quốc gia đang ngày càng chú tâm tới việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng then chốt, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, an ninh mạng, an ninh năng lượng…

Đơn cử như hồi tháng 3 vừa rồi, cơ quan tình báo liên bang Đức và cơ quan tình báo Hàn Quốc đã xuất bản chung một báo cáo lần đầu tiên cảnh báo các cuộc tấn công của tin tặc Triều Tiên. Một yếu tố khác khiến các vấn đề an ninh ngày càng nổi bật trong quan hệ song phương là sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và chính sách đối ngoại quyết đoán của Bắc Kinh.

Khó xử địa chính trị

Tuy nhiên, cả Berlin và Seoul đều đối mặt tình thế khó xử bởi giao thương với Trung Quốc lại đóng vai rất quan trọng đối với nền kinh tế hai nước này. Khoảng 8% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Đức có điểm đến là thị trường Trung Quốc. Đối với Hàn Quốc, tỷ lệ đó lên tới 25%.

Do là một trong những đối tác thương lớn nhất của Đức và Hàn Quốc, Trung Quốc có ảnh hưởng kinh tế đáng kể đối với cả Berlin và Seoul. Vào năm 2017, Hàn Quốc đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ THAAD do Mỹ sản xuất để đối phó mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Thế nhưng, động thái này đã khiến Trung Quốc giận dữ do lo ngại radar rất mạnh của THAAD có thể được dùng để do thám các hoạt động quân sự của Bắc Kinh.

Phản ứng trả đũa sau đó của Trung Quốc đã gây tổn thất lớn cho nhiều công ty Hàn Quốc, nhất là Tập đoàn Lotte từng phải đóng cửa 75/99 siêu thị tại Trung Quốc. Vụ việc đã phơi bày những yếu điểm mà Đức và Hàn Quốc gặp phải khi nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong khi lại dựa vào Mỹ về an ninh.

Chia sẻ bài viết