23/07/2019 - 12:32

Dự án đường sắt Nepal-Trung Quốc ‘’chết yểu”? 

Tuyến đường sắt Nepal-Trung Quốc đầy tham vọng - một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường”, vốn được cho sẽ phá vỡ sự phụ thuộc của Nepal vào Ấn Ðộ, có vẻ không khả thi về mặt tài chính khi mà nhiều bất đồng nảy sinh giữa các bên liên quan.

Một phần tuyến đường sắt Kerung-Kathmandu bên phía Trung Quốc đã được xây dựng. Ảnh: Asia Times

Theo kế hoạch, tuyến đường sắt dài 170 kilômét, nối thành phố Kerung ở miền Nam Tây Tạng và thủ đô Kathmandu của Nepal dự kiến sẽ “ngốn” 38 tỉ nhân dân tệ (khoảng 5,5 tỉ USD), gần bằng tổng nguồn thu của Nepal năm 2018. Dù chỉ 1/3 tổng chiều dài tuyến đường rơi vào phía Nepal nhưng kinh phí dành cho phần đường này gần bằng một nửa tổng kinh phí dành cho cả tuyến đường do địa chất và khí hậu khắc nghiệt.

Tuy nhiên, hai đảng chính trị lớn của Nepal, gồm đảng Cộng sản (NCP) cầm quyền và đảng đối lập chính Quốc đại (NC), đã thiếu sự đồng thuận xung quanh cách chi trả cho việc xây dựng tuyến đường. Trong khi NC tuyên bố tuyến đường chỉ nên được xây dựng nếu Trung Quốc tài trợ (nhưng phía Bắc Kinh hiện đang bỏ ngỏ khả năng này), còn NCP tỏ ra ủng hộ việc xúc tiến dự án ngay cả khi phải vay nợ nước ngoài. lãnh đạo NC Sher Bahadur Deuba nói rằng với nền kinh tế trị giá khoảng 12 tỉ USD, Nepal không đủ khả năng chi trả cho dự án này thông qua các khoản vay. Còn Geja Sharma Wagle, chuyên gia về chính sách đối ngoại và địa chính trị Nepal, cũng đồng tình rằng dự án này không nên được tiến hành thông qua các khoản vay. “Nếu chúng ta chọn cách xây dựng nó bằng các khoản vay thì đây sẽ là một cảng Hambantota khác của Sri Lanka” - ông Wagle cảnh báo, đề cập tới việc Sri Lanka bị rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc nên phải trao quyền điều hành cảng Hambantota cho doanh nghiệp nước này trong vòng 100 năm.

Ngoài ra, việc xây dựng tuyến đường sắt phải đối mặt nhiều thách thức khi mà địa hình xây dựng chủ yếu là đồi núi. Phía Trung Quốc mới đây cho biết, dự án cần được nghiên cứu thêm vì tuyến đường sắp xây đi qua dãy núi Himalaya dễ bị động đất. Được biết, Cục Đường sắt Trung Quốc hồi năm ngoái đã thực hiện một nghiên cứu về tính khả thi của dự án. Cơ quan này trong một báo cáo chỉ ra rằng ngoài các mối lo ngại về hoạt động địa chấn, địa hình, độ cao, địa chất thì mặt kỹ thuật cũng sẽ là một thách thức không nhỏ. “Về mặt kỹ thuật, đây sẽ là một trong những tuyến đường sắt khó xây dựng nhất thế giới” - Paribesh Parajuli, kỹ sư đường sắt tại Bộ đường sắt Nepal, nhận định.

Một trở ngại lớn khác khi mà khoảng 98% tuyến đường sắt bên phía Nepal sẽ phải nằm trong các đường hầm và trên các cây cầu, với khoảng 5 điểm dừng. Và điểm đáng lo ngại là tuyến đường sắt này sẽ được xây dựng trên địa hình dốc, leo từ độ cao 1.400 mét ở  Kathmandu lên độ cao khoảng 4.000 mét ở Tây Tạng.

TRÍ VĂN (Theo Asia Times, The Wire)

Chia sẻ bài viết