04/06/2023 - 06:32

Đông Nam Á chuộng vũ khí Hàn Quốc 

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP)

Hàn Quốc đang định hình là nhà cung cấp vũ khí mới cho các quốc gia Đông Nam Á, trong bối cảnh khu vực đang ngày càng “khát” thiết bị quân sự hiện đại có giá hợp lý.

Giới chức Malaysia và lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc tại lễ ký kết thỏa thuận mua 18 tiêm kích FA-50 hôm 23-5. Ảnh: Yonhap

Giới chức Malaysia và lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc tại lễ ký kết thỏa thuận mua 18 tiêm kích FA-50 hôm 23-5. Ảnh: Yonhap

Bộ Quốc phòng Malaysia vừa ký kết thỏa thuận mua vũ khí của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (KAI) trị giá 2,28 tỉ USD, bao gồm 18 máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50.

Thương vụ được “chốt” sau khi Philippines và Indonesia trở thành 2 trong số những quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm lần lượt 16% và 14% tổng lượng xuất khẩu. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, doanh số bán vũ khí của nước này đã tăng từ mức 7,25 tỉ USD trong năm 2021 lên hơn 17 tỉ USD năm 2022, giữa lúc phương Tây gấp rút viện trợ vũ khí cho Ukraine và căng thẳng dâng cao tại những điểm nóng khác như CHDCND Triều Tiên và Biển Đông. Chiến tranh tại Ukraine và tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến các nước Đông Nam Á tích cực mua sắm khí tài.

Đối tác đáng tin cậy

Theo Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, Hàn Quốc trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với các nước Đông Nam Á vì không giống như những cường quốc khác, Seoul sẵn sàng chuyển giao công nghệ để hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp vũ khí nội địa trong khu vực. “Vũ khí của Hàn Quốc hiện đại và rẻ hơn các thiết bị quân sự phương Tây”, ông Storey nói, đồng thời cho biết các công ty quốc phòng của Seoul sẽ tiếp tục mở rộng thị phần vũ khí tại Đông Nam Á.

Về phần mình, các quốc gia tại đây xem Hàn Quốc là đối tác đáng tin cậy, theo Jaehyon Lee, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Chính sách ASAN (Hàn Quốc). “Xuất khẩu vũ khí của Seoul trong những năm gần đây nghiêng về cách tiếp cận thương mại hơn là cách tiếp cận chiến lược”, Tiến sĩ Lee chia sẻ, đồng thời cho rằng Mỹ chủ yếu tập trung bán các loại vũ khí hiện đại và đắt tiền nhưng chúng lại không quá cần thiết ở các nước Đông Nam Á.

Đơn cử như chiến đấu cơ KFX, dự án phát triển tiêm kích thế hệ mới giữa KAI và Indonesia, là sự thay thế có chi phí thấp so với mẫu F-35 do Mỹ sản xuất. Trong khi đó, máy bay FA-50 có giá khoảng 50 triệu USD/chiếc, chỉ bằng phân nửa so với các tiêm kích tương đương của châu Âu và Mỹ. Được biết, các nước đang phát triển lâu nay muốn mua những thiết bị quốc phòng có thể tương thích với các hệ thống và vũ khí phương Tây nhưng các nhà sản xuất lớn ở phương Tây gần như đã phớt lờ yêu cầu này.

Ngoài ra, dưới Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Tổng thống Yoon Suk-yeol, hợp tác công nghệ quốc phòng và buôn bán vũ khí đứng ở vị trí cao trong chương trình nghị sự của chính phủ xứ kim chi. Các công ty Hàn Quốc cũng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu từ các nước Đông Nam Á.

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Hàn Quốc hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước thành viên của liên minh quân sự này, chiếm 4,9% lượng mua sắm của họ. Tuy nhiên, con số này còn thua xa so với Mỹ (65%) và Pháp (8,6%).
Chia sẻ bài viết