11/05/2011 - 08:26

Đồng minh xa không qua láng giềng gần

Hôm nay, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Nga 3 ngày theo lời mời của Tổng thống Dmitry Medvedev. Chuyến đi này của ông Zardari đang thu hút sự chú ý dư luận khu vực và quốc tế bởi nó chỉ được thông báo vài ngày sau khi trùm khủng bố quốc tế al-Qaeda Osama bin Laden bị Mỹ tiêu diệt trong một chiến dịch quân sự gây tranh cãi hồi đầu tháng 5 vừa qua tại Pakistan. Trong bài viết đăng trên tờ Asian Times số ra ngày 6-5, chuyên gia bình luận thời sự quốc tế M.K Bhadrakumar cho rằng chuyến đi Nga của nhà lãnh đạo Pakistan một lần nữa cho thấy Islamabad chủ trương đa dạng hóa mối quan hệ, tăng cường hợp tác với các nước láng giềng gần trong bối cảnh mối quan hệ đồng minh với Mỹ ngày càng căng thẳng.

Theo Bhadrakumar, người Nga (và có lẽ cả phía Pakistan) đã chủ động sắp xếp để ông Zardari đi Nga trước chuyến thăm của ông tới Washington, vốn đã một lần bị hoãn và nay dường như khó có thể diễn ra trong tương lai gần. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakistan trước chuyến thăm Nga của Tổng thống Zardari nêu rõ: “Trong thời gian thăm Nga, Tổng thống Zardari sẽ có các cuộc thảo luận sâu sắc với các nhà lãnh đạo Nga về một loạt vấn đề trong mối quan hệ song phương và những vấn đề toàn cầu quan trọng vì lợi ích chung của hai nước. Hai bên sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác gần gũi nhằm thúc đẩy sự ổn định, hòa bình và an ninh ở khu vực lợi ích chung và để tiếp tục mở rộng các cuộc tiếp xúc, tham vấn và hợp tác song phương”.

Hãng tin Nga RIA Novosti cho biết Mát-xcơ-va đã công khai quan điểm sẵn sàng hỗ trợ Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Hồi tháng 3 năm nay, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp chính phủ Pakistan trấn áp các hoạt động khủng bố trong nước. Phía Nga lo ngại nếu Mỹ rút dần quân đội ra khỏi Afghanistan vào tháng 7 tới và kết thúc sứ mạng tại đây vào năm 2014 như kế hoạch sẽ để lại một khoảng trống an ninh tạo cơ hội cho các tay súng cực đoan tràn qua Trung Á và gây tổn hại lợi ích của Nga tại khu vực giàu dầu khí này.

Thật ra, giới lãnh đạo Pakistan thời gian gần đây đã bắt đầu tỏ rõ thái độ muốn giảm bớt sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ. Có nguồn tin cho biết Islamabad cũng kêu gọi Kabul giảm phụ thuộc vào Washington để tăng cường quan hệ với nhiều đối tác khác như Trung Quốc chẳng hạn. Theo Bhadrakumar, Bắc Kinh ủng hộ việc Islamabad tăng cường quan hệ với Mát-xcơ-va. Điều đó được đề cập tới trong cuộc đối thoại chiến lược Trung Quốc-Pakistan tổ chức ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 4 vừa qua. Cho nên, chẳng có gì lấy làm lạ khi chuyến đi Nga của Tổng thống Zardari lại diễn ra vào đúng thời điểm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì công cán Mát-xcơ-va trong hai ngày 12 và 13-5.

Bhadrakumar cho rằng những chuyển động đó hoàn toàn hợp lẽ bởi cả Nga và Trung Quốc đều muốn lôi kéo Pakistan và Afghanistan trong vai trò quan sát viên tham gia ngày càng tích cực hơn vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một diễn đàn hợp tác an ninh có tham vọng trở thành đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ nắm quyền chi phối.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết