22/05/2022 - 14:29

Đổi tình, tiền lấy việc 

Một loạt sai lầm kinh tế nghiêm trọng trong quá khứ đã khiến giới trẻ Zimbabwe rơi vào tình trạng thất nghiệp, buộc họ phải tham gia vào các quy trình tuyển dụng phi đạo đức. Một số người thậm chí còn phải đổi tình, tiền để có được công ăn việc làm.

Người trẻ Zimbabwe hiện rất khó tìm việc làm. Ảnh: AP

Norman Chisunga là trường hợp điển hình. Ngay khi từ quê nhà ở thị trấn Murehwa đến thủ đô Harare hồi tháng 2-2019, Chisunga nghĩ rằng chú anh, một thương nhân ở Mbare, khu ngoại ô có mật độ dân số cao ở Harare, sẽ không cho anh ở nhờ lâu nếu như anh không có việc làm. Song, chỉ vài tuần sau khi đến Harare, vận may đã mỉm cười với Chisunga khi chú anh tìm được cho anh công việc tại một công ty sản xuất phân bón ở địa phương. Nhưng để có được công việc này, Chisunga phải trả “một chút gì đó”. Chisunga cho hay đối với hợp đồng làm việc 6 tháng, anh cần phải trả cho họ 100USD và đối với hợp đồng 6 tuần, anh cần phải trả 30USD (tương đương 12.000ZWD theo tỷ giá chợ đen hiện tại). Cuối cùng, Chisunga quyết định trả hơn 200USD để có thể làm việc tại công ty phân bón nói trên trong hơn 1 năm. Hàng ngày, anh vác trên vai những bao phân nặng 50kg.

Tương tự, Tayanana Kuteura, chuyên viên chăm sóc sắc đẹp 24 tuổi hiện đang làm nhân viên phục vụ tại một cửa hàng ở Harare, tiết lộ người quản lý siêu thị từng yêu cầu cô trả 50USD nếu như cô muốn làm nhân viên thu ngân tại siêu thị đó.

Thật ra, cả Chisunga và Kuteura còn may mắn hơn rất nhiều người, bởi nhiều phụ nữ trẻ như Kuteura đôi khi được yêu cầu “qua đêm” với các ông chủ. “Tôi đã rơi vào tình huống khó xử đó. Tôi được mời làm quản lý tại một trong những căn tin lớn ở Harare với điều kiện tôi phải ngủ với ông chủ nhưng tôi đã không nhận công việc đó” - Kuteura với với Al Jazeera.

Zimbabwe đang chìm trong khủng hoảng kinh tế khi đồng nội tệ mất giá, nạn lạm phát hoành hành, sức mua yếu, thiếu hụt ngoại tệ và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 90%. Ở đất nước mà tỷ lệ thất nghiệp “khủng” như vậy và hầu hết trong số 14 triệu dân nước này làm một số công việc tạm bợ để kiếm sống, việc tìm được một công việc đàng hoàng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. “Tôi đã đến Ủy ban Công vụ của chính phủ và được thông báo rằng hồ sơ ứng viên đang tồn đọng và tôi là người thứ 55.210 nộp đơn xin việc” - Tariro Makanyera, sinh viên tốt nghiệp ngành xã hội học, cho biết.

Trong báo cáo hồi năm 2021 về sự phổ biến của “bệnh” gia đình trị tại nơi làm việc, Công ty Tư vấn Tâm lý Công nghiệp cho hay có tới 27,39% người tham gia chỉ ra rằng tình trạng này tồn tại tại nơi làm việc của họ. Theo báo cáo, ngành dịch vụ y tế được đánh giá là có tỷ lệ “bệnh” gia đình trị ở mức cao nhất, tới 52%, tiếp theo là lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng nhanh với 42% và lĩnh vực truyền thông là 40%.

Các chuyên gia cho rằng tình hình kinh tế hiện tại của Zimbabwe đã khiến nước này trở thành mảnh đất màu mỡ dành cho những hoạt động lao động phi đạo đức. “Những đứa trẻ sinh ra vào khoảng năm 1997 hoặc đầu thiên niên kỷ chưa bao giờ trải qua sự bình thường về kinh tế. Chúng luôn có khát vọng riêng cho mình. Song, với thị trường lao động eo hẹp, đất nước nghèo đói, nạn tham nhũng hoành hành, các em trở nên tuyệt vọng và phải hối lộ để có việc làm” - Godfrey Kanyenze, giám đốc sáng lập Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Lao động Zimbabwe, buồn bã nói.

HOÀNG NAM

Chia sẻ bài viết