23/06/2020 - 06:31

Điếu Ngư/Senkaku sẽ là ``điểm nóng'' mới ở châu Á? 

Trong khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề biên giới vẫn chưa hạ nhiệt, một nhóm đảo nhỏ trên biển Hoa Đông có thể là “mồi lửa” châm ngòi cho xung đột quân sự tiếp theo ở châu Á.

       

Tàu Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản hoạt động gần Uotsuri-jima, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ảnh: stripes.com

Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo không người ở nằm trên biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, Tokyo gọi là Senkaku. Theo Kênh CNN, quần đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản từ năm 1972. Căng thẳng liên quan đến chủ quyền quần đảo này đã âm ỉ trong nhiều năm qua. Nhưng khác với vụ ẩu đả gây thương vong lớn hôm 15-6 giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở thung lũng Galwan, đụng độ bất ngờ giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại Điếu Ngư/Senkaku có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ. Lý do vì Mỹ đã ký hiệp ước quốc phòng với Nhật Bản, nên Washington phải có nghĩa vụ bảo vệ Tokyo nếu đồng minh châu Á bị tấn công.

Trong diễn biến liên quan, Hội đồng thành phố Ishigaki của Nhật Bản hôm 21-6 đã đổi tên khu vực hành chính bao gồm quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, động thái nhiều khả năng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc và Đài Loan (Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này và gọi là Điếu Ngư Đài). Cụ thể, khu vực “Tonoshiro” được đổi tên thành “Tonoshiro Senkaku”.

Lo ngại về một cuộc đối đầu đã tăng cao hồi tuần rồi khi lực lượng tuần duyên Nhật Bản thông báo tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần hoặc bên trong vùng biển Nhật tuyên bố chủ quyền xung quanh Điếu Ngư/Senkaku liên tiếp trong nhiều ngày. Tính đến hôm 19-6, con số này là 67 ngày liên tiếp, đánh dấu thời gian hoạt động lâu nhất kể từ tháng 9-2012, khi chính phủ xứ sở hoa anh đào quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc Điếu Ngư/Senkaku.

Trước sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc, giữa tuần rồi Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định Senkaku thuộc quyền kiểm soát không thể tranh cãi về lịch sử và luật pháp quốc tế của Tokyo, đồng thời nhấn mạnh nước này sẽ phản ứng kiên quyết và bình tĩnh với Bắc Kinh. Ông Suga cũng cho biết Nhật Bản đã phản đối Trung Quốc về vụ 4 tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần Senkaku. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh Điếu Ngư là “một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc”, do vậy các đội tàu giám sát biển của Bắc Kinh có quyền tiến hành các hoạt động tuần tra và thực thi pháp luật tại các vùng biển này.

Nhận định về nguy cơ xảy ra xung đột trên biển Hoa Đông, William Choong, thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) cho rằng so với các “điểm nóng” khác trong khu vực như Biển Đông, Đài Loan và Triều Tiên, biển Hoa Đông là “tổng hòa rắc rối về mặt lịch sử, danh dự và lãnh thổ”. Trong khi đó, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) vẽ ra một kịch bản rằng nếu các đội tàu đánh cá, cảnh sát biển hoặc lực lượng quân đội Trung Quốc đổ bộ lên Điếu Ngư/Senkaku thì chắc chắn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản sẽ tìm cách xua đuổi họ đi bằng một hành động thực thi pháp luật. Theo AMTI, điều này có thể dẫn đến phản ứng quân sự đáng kể từ Trung Quốc.

 Trong những tuần qua, Nhật Bản đã lập các căn cứ quân sự mới gần Điếu Ngư/Senkaku nhằm bảo vệ quần đảo này và khu vực lân cận. Gần đây, tàu tuần duyên Nhật đã can thiệp để ngăn chặn một nhóm tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối một tàu cá Nhật hoạt động gần Điếu Ngư/Senkaku.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết