23/07/2008 - 09:18

Diễn biến mới trên chính trường Zimbabwe

Với sự chứng kiến của nhà trung gian hòa giải - Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, hai đối thủ chính trị tại Zimbabwe là Tổng thống đương nhiệm Robert Mugabe và thủ lĩnh Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (MDC) đối lập Morgan Tsvangirai ngày 21-7 đã có “cái bắt tay lịch sử”. Theo tờ The Independent, đây là lần đầu tiên trong vòng một thập niên qua hai nhân vật này mới có “cử chỉ ngoại giao” như thế. Trước đây, hai người từng có dịp bắt tay nhau, nhưng hồi ấy ông Tsvangirai là nhà lãnh đạo công đoàn và vẫn xem Tổng thống Mugabe như vị anh hùng giải phóng dân tộc.

Tổng thống Mugabe (trái) bắt tay thủ lĩnh phe đối lập Tsvangirai ngày 21-7 tại Thủ đô Harare. Ảnh: AFP 

Trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3 năm nay, ông Tsvangirai dẫn trước Tổng thống Mugabe nhưng không giành đủ 50% phiếu ủng hộ nên phải tiến hành bỏ phiếu vòng hai vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, ông Tsvangirai vào giờ chót quyết định tẩy chay cuộc bầu cử để phản đối việc chính quyền đàn áp và giết hại những người ủng hộ MDC, cũng như bản thân ông vô cớ bị bắt giữ nhiều lần. Cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Nam Phi này trở nên trầm trọng hơn sau khi Tổng thống Mugabe vẫn tổ chức cuộc bầu cử “độc diễn” bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Với sự trung gian hòa giải của Tổng thống Nam Phi Mbeki, Tổng thống Mugabe và ông Tsvangirai vừa đạt được thỏa thuận sẽ tiến hành đàm phán chia sẻ quyền lực nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bế tắc chính trị. Tổng thống Mugabe cho biết thỏa thuận này bao gồm các điều khoản sửa đổi Hiến pháp theo một “trật tự chính trị mới”. Trong khi đó, ông Tsvangirai nói rằng đây là “cơ hội lịch sử” và cho biết các cuộc thảo luận chia sẻ quyền lực sẽ kéo dài khoảng 2 tuần.

Theo các nhà bình luận lạc quan, cơ hội này sẽ cho phép ông Tsvangirai giữ vai trò thủ tướng hoặc phó tổng thống trong chính phủ mới vì đây là giải pháp duy nhất để đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị, đồng thời từng bước khôi phục nền kinh tế đang có mức lạm phát lên tới 7-8 con số.

Những người thận trọng hơn thì cho rằng thỏa thuận vừa đạt được là một sự khởi đầu đáng khích lệ nhưng tiến trình đàm phán kế tiếp có thể còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi nào các đảng phái chính trị ở Zimbabwe đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, trên cơ sở đó xây dựng một chính phủ chia sẻ quyền lực và đưa ra các biện pháp thực thi cụ thể thì người ta mới có thể hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế từng được xem là thịnh vượng bậc nhất châu Phi, nhưng hiện đang xuống dốc không phanh.

PHÚC NGUYÊN
(Theo Le Figaro, AFP, AP, The Independent)

PHÚC NGUYÊN (Theo Le Figaro, AFP, AP, The Independent)

Chia sẻ bài viết