|
Ông Zelaya chào những người ủng hộ trước Đại sứ quán Brazil.
Ảnh: AP |
Tổng thống bị phế truất của Honduras Manuel Zelaya đã bất ngờ trở về Thủ đô Tegucigalpa hôm 21-9, và tá túc tại Đại sứ quán Brazil, để kêu gọi đàm phán khôi phục trật tự hiến pháp với các nhà lãnh đạo lâm thời từng lật đổ và trục xuất ông hồi cuối tháng 6.
Ông Zelaya cho biết đã “vượt qua ngàn trùng nguy hiểm” để trở về Honduras trong suốt 15 giờ bằng nhiều loại xe khác nhau, nhưng không nói chi tiết ai giúp ông vượt qua biên giới (vì sự an toàn của họ). Theo Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, ông Zelaya cùng với 4 người khác đã băng núi vượt sông để hồi hương. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Honduras Lionel Sevilla thì cho biết ông Zelaya về nước từ Nicaragua trên chiếc xe mang biển số của một quốc gia Nam Mỹ, nhưng không phải Venezuela. Ngoại trưởng Brazil Celso Amorim nói rằng họ nhận được đề nghị tị nạn của ông Zelaya tại Đại sứ quán chỉ 40-60 phút trước khi ông tới, chứ trước đó hoàn toàn không biết về kế hoạch về nước của ông này.
Lo sợ bạo lực bùng phát, chính quyền lâm thời ban đầu ra lệnh giới nghiêm 15 giờ tại Tegucigalpa, sau đó kéo dài lên 26 giờ. Thứ trưởng An ninh Mario Perdomo cho biết nhiều trạm kiểm soát đã được dựng lên trên các đường cao tốc nhằm ngăn chặn dòng người ủng hộ ông Zelaya từ các khu vực khác tập trung về thủ đô gây rối. Tất cả các chuyến bay tới Tegucigalpa cũng bị hoãn vô hạn định. Một số khu vực có văn phòng của giới truyền thông bị cúp điện vài giờ, tình hình giống như ngày xảy ra vụ đảo chính lật đổ ông Zelaya. Tuy nhiên, hàng ngàn người ủng hộ vẫn tập trung bên ngoài Đại sứ quán Brazil chào đón tổng thống bị lật đổ. Lãnh đạo Liên đoàn giáo viên Eulogio Chavez tuyên bố 60.000 giáo viên cả nước sẽ đình công vô thời hạn để đòi phục chức cho ông.
Chính quyền Tổng thống tiếm quyền Roberto Micheletti hiện đang chịu sức ép rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) Jose Miguel Insulza kêu gọi chính phủ lâm thời Honduras phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho ông Zelaya và Đại sứ quán Brazil, đồng thời khẳng định cuộc khủng hoảng cần được giải quyết hòa bình trên cơ sở thỏa thuận San Jose do Tổng thống Costa Rica Oscar Arias đề xuất với sự ủng hộ của OAS. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì giục cả hai bên tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo sẽ không công nhận kết quả bầu cử tổng thống dự kiến vào cuối tháng 11 tới ở Honduras. Washington cũng cắt hơn 32 triệu USD viện trợ cho Honduras, thu hồi visa của ông Micheletti và một loạt quan chức Honduras.
Sự trở lại của ông Zelaya sẽ là một thách thức lớn đối với chính quyền lâm thời, vốn dọa sẽ bỏ tù ông nếu về nước. Nhưng nếu họ bắt ông, những người biểu tình có thể gây ra bạo lực như từng xảy ra ở thủ đô sau cuộc đảo chính, và đe dọa phủ bóng đen lên cuộc bầu cử tổng thống. Hơn nữa, luật quốc tế không cho phép lực lượng an ninh Honduras bắt ông Zelaya tại một Đại sứ quán của nước ngoài. Ngoại trưởng Brazil Amorim đã cảnh báo chính quyền Honduras không được làm càn bên trong đại sứ quán của họ.
N. KIỆT
(Theo AP, Reuters, Csmonitor)