01/10/2018 - 07:24

Đi cùng hay đi một mình? 

Mặc dù chủ đề chính thức của kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) khóa 73 đang diễn ra tại New York không phải là chủ nghĩa đa phương, nhưng đây có lẽ là từ được các nhà lãnh đạo nhắc tới nhiều nhất sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25-9 đăng đàn bác bỏ những trụ cột của chủ nghĩa đa phương trong khuôn khổ LHQ, chỉ trích chủ nghĩa đa phương can thiệp vào chủ quyền quốc gia và tái khẳng định theo đuổi mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”.


Ngoại trưởng Nhóm G4 (Brazil, Đức, Ấn Độ, Nhật - các nước có thể vào thường trực Hội đồng Bảo an khi LHQ cải tổ) cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương.

Thủ tướng Anh Theresa May đã kêu gọi các nhà lãnh đạo bác bỏ cái bà gọi là “chủ nghĩa dân tộc hung hăng” và bảo vệ hệ thống đa phương - tức ngầm thách thức lập trường chống chủ nghĩa toàn cầu của ông Trump. Cấp dưới của Thủ tướng May sau đó “thanh minh” rằng bài phát biểu không nhằm vào lãnh đạo Mỹ và phần lớn đã được soạn thảo trước khi ông Trump đăng đàn.

Không trực tiếp đề cập người đồng cấp Mỹ nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel  Macron đề nghị dùng “đối thoại và chủ nghĩa đa phương” để giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới, đồng thời cảnh báo “chủ nghĩa dân tộc luôn dẫn tới thất bại”. Ông Macron còn bảo vệ thỏa thuận hạt nhân đa phương các cường quốc ký với Iran năm 2015 mà Tổng thống Trump đã quyết định đơn phương rút Mỹ ra để tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Tehran. Cũng với quan điểm như vậy, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trong bài phát biểu tại Đại học Harvard (Mỹ) ngày 29-9 đã đề nghị châu Âu thành lập một liên minh với các “cường quốc  thiện chí” như Úc, Ấn Độ, Mexico, Nhật, Canada... để ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Ông chỉ trích Mỹ “gây tổn hại thường xuyên và có hệ thống đối với các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa đa phương” thông qua cách tiếp cận tại LHQ, các hiệp định thương mại cũng như những thỏa thuận quốc tế khác.

Phát biểu tại phiên họp LHQ, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng khủng hoảng chủ nghĩa đa phương đang gây bế tắc cho việc giải quyết các cuộc xung đột trên toàn cầu. Ông khẳng định người Đức tin vào chủ nghĩa đa phương, và câu chuyện nước  Đức hậu Chiến tranh thế giới thứ hai là “một chiến thắng của chủ nghĩa đa phương”. “Châu Âu đã chứng minh với thế giới rằng chủ nghĩa đa phương và chủ quyền quốc gia không đối lập nhau’’, Ngoại trưởng Đức nói thêm, đồng thời cho biết sẵn sàng tài trợ bổ sung 116 triệu euro (thông qua LHQ) để giúp người tị nạn Syria tại Jordan và Lebanon. Theo ông, Syria là nơi mà cuộc khủng hoảng chủ nghĩa đa phương hiển hiện một cách đau thương nhất.

Trong khi đó, diễn văn của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt khi kêu gọi các thành viên LHQ tái xây dựng và tái cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Bà được cho là ám chỉ Tổng thống Mỹ khi chỉ trích một số nước tìm mọi lý do để biện minh cho việc rút vào chủ nghĩa biệt lập.

Theo nhận định của LHQ, tại phiên họp lần này, lãnh đạo các nền kinh tế ở khắp các châu lục đã vượt qua những khác biệt về thể chế chính trị và ý thức hệ để cổ vũ cho chủ nghĩa đa phương - điều mà Tổng Thư ký  Antonio Guterres trong bài phát biểu khai mạc đã cảnh báo rằng “đang bị chỉ trích trong khi chúng ta lại cần nó hơn lúc nào hết”.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết