 |
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AP |
Kế hoạch của Pháp và Đức về việc thành lập một hội đồng quản trị kinh tế do một nhà lãnh đạo được bổ nhiệm đứng đầu, nhằm siết chặt việc điều hành kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đã gây thất vọng cho các nhà đầu tư, vốn đang mong mỏi một giải pháp triệt để hơn cho cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực.
Sau cuộc gặp cấp cao tại Paris hôm 16-8, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo đề xuất nói trên, như một phần trong nhiều động thái nhằm đồng bộ hóa thuế và chi tiêu, cứu Eurozone đang suy vì nợ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy được đề nghị sẽ là người lãnh đạo hội đồng quản trị kinh tế Eurozone.
Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi áp đặt nhiều giới hạn nghiêm ngặt hơn về thâm hụt ngân sách ở các nước thành viên và thông báo rằng trước hết, Pháp và Đức sẽ đồng bộ hóa các chính sách thuế hai nước. Ông Sarkozy cũng tuyên bố ủng hộ bà Merkel về thuế Tobin, một loại thuế tài chính áp lên tất cả các giao dịch quốc tế, nhằm tăng các nguồn quỹ giải cứu khủng hoảng kinh tế châu Âu. Hai nhà lãnh đạo cho rằng phối hợp tăng cường hợp tác và siết chặt nguyên tắc tài chính sẽ giúp phục hồi niềm tin của nhà đầu tư với Eurozone, sau khi nhiều nước thành viên đối mặt với khó khăn về nợ.
Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR), cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone sẽ tác động mạnh đến thế giới đang phát triển theo 3 hướng. Thứ nhất, Eurozone nói riêng và EU nói chung là thị trường khổng lồ nên xuất khẩu của các nước đang phát triển vào thị trường này sẽ bị giảm mạnh do các chính sách khắc khổ làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Thứ hai, nguồn vốn đầu tư của EU vào các nước đang phát triển sẽ giảm mạnh. Thứ ba, cuộc khủng hoảng trong Eurozone sẽ gây hỗn loạn các thị trường tài chính toàn cầu và vì vậy sẽ gây tổn thương lớn cho thế giới đang phát triển. |
Các nhà phân tích cho rằng khủng hoảng nợ buộc Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha tìm sự trợ giúp tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phơi bày những kẽ hở quan trọng trong cơ cấu Eurozone. Đó là 17 nước cùng sử dụng đồng tiền chung, nhưng hạn chế giám sát lẫn nhau về chính sách chi tiêu. Kết quả là một nước “vung tay quá trán” có thể gây khó khăn ngân sách và hủy hoại niềm tin vào đồng tiền chung.
Các chuyên gia thừa nhận đề xuất thành lập hội đồng quản trị kinh tế Khu vực đồng euro là một bước đi trong quá trình hội nhập tài chính mạnh mẽ hơn và mở đường cho việc phát hành trái phiếu Khu vực đồng euro. Tuy nhiên, họ khẳng định đề xuất này không thể giải quyết được những vấn đề cấp bách trong khu vực.
Về ý tưởng phát hành trái phiếu Eurozone, ông Sarkozy và bà Merkel cho rằng Eurozone phải tiến tới hợp nhất sâu hơn, nhưng còn quá sớm để phát hành trái phiếu chung. Họ cũng không đồng ý mở rộng quỹ giải cứu trị giá 440 tỉ euro của Eurozone, cơ chế ổn định tài chính châu Âu, được xem là thiết yếu cho tương lai khu vực.
Những đề xuất của hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức ngay lập tức bị các nhà đầu tư chỉ trích là không đáp ứng được những gì cần thiết. Những người hoài nghi về đồng euro xem việc thành lập hội đồng quản trị kinh tế của Eurozone là “động thái chính trị” của một số nước lớn nhằm “túm chặt” châu Âu. Chính phủ Anh đã lên tiếng cảnh báo động thái này, khi tuyên bố Luân Đôn sẽ thông qua chính sách “giám sát và theo dõi”. Bộ Tài chính Anh nói họ không tham gia chính thức về thuế Tobin, nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ loại thuế nào như vậy cũng cần được quốc tế hóa thật sự và không gây bất lợi cho các nước tham gia.
Khi ông Sarkozy và bà Merkel nhóm họp, các nhà đầu tư nhận thấy có nhiều dấu hiệu hợp tác rộng hơn trong Eurozone, nên chỉ số chứng khoán ở Mỹ tăng. Tuy nhiên, sau khi ông Sarkozy cho biết sẽ không tính tới chuyện tăng quy mô quỹ giải cứu cho các nước yếu hơn trong Eurozone, chứng khoán tụt dốc trở lại, trong khi nhu cầu trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và giá vàng cùng tăng do các nhà đầu tư tìm đến các kênh đầu tư này. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16-8, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 77 điểm (0,67%) còn 11.406 điểm, S&P 500 rớt 11,7 điểm (0,97%) còn 1.193 điểm và Nasdaq sụt 31,8 điểm (1,2%) còn 2.523 điểm. Giá vàng tăng thêm 27 USD lên 1.785 USD/ounce. Tại châu Âu, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,25% còn 3.231 điểm và DAX của Đức giảm 0,45% còn 5.995 điểm. Tại châu Á, chỉ số Hang Seng của Hồng Công giảm 0,24% còn 20.212 điểm.
THÁI BÌNH
(Theo Guardian, WSJ, TTXVN)
Giới chuyên gia:
Các nước đang phát triển cần mô hình kinh doanh mới
Giới chuyên gia kinh tế quốc tế đã kêu gọi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cần thay đổi mô hình kinh doanh để tránh nguy cơ tái diễn chu kỳ phát triển bùng nổ - vỡ nợ.
Nhiều chuyên gia lưu ý rằng cũng như các giai đoạn trước đây, nhân tố chủ chốt dẫn đến sự bùng nổ dòng vốn nước ngoài đổ vào thế giới đang phát triển là lãi suất bị cắt giảm mạnh và sự tăng nhanh của nguồn tiền mặt từ các gói tài chính kích thích kinh tế vượt qua khủng hoảng ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu
Do những khó khăn ở các khâu cung - cầu trên thị trường tín dụng, dòng tiền mặt khổng lồ tăng lên nhanh chóng này không chuyển thành nguồn quỹ để tăng nguồn tín dụng cho khu vực tư nhân hoặc chi tiêu ở Mỹ và châu Âu mà tràn ra thế giới để tìm lợi nhuận ở thế giới đang phát triển. Dòng tiền lớn dễ đến và cũng dễ đi này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế các nước đang phát triển vì các nền kinh tế này vốn dễ bị tổn thương và tái diễn chu kỳ phát triển bùng nổ - vỡ nợ.
Vì thế, theo họ, các nước đang phát triển cần thay đổi mô hình kinh doanh để mở ra các cơ hội cho các công ty vừa và nhỏ tạo ra các liên minh rộng rãi các hoạt động kinh tế và xã hội với nguồn thu nhập đa dạng và lợi nhuận đa dạng. Mô hình mới sẽ tạo điều kiện phát triển hệ thống sản xuất và tiêu dùng phi tập trung hóa có khả năng cạnh tranh và công nghệ trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
|