18/09/2011 - 07:59

Đâu làm thách thức thật sự?

Các nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu không khỏi thất vọng khi theo dõi cuộc họp cấp bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở thành phố Wroclaw của Ba Lan hôm 16-9 vừa qua. Họ mong mỏi cuộc họp có sự hiện diện đặc biệt của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner sẽ đưa ra một thông điệp cho thấy sự đoàn kết và những biện pháp điều hành mạnh mẽ bên trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để giúp liên minh tiền tệ này thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng hiện nay. Ấy vậy mà, cuộc họp được chờ đợi đó, theo tờ CSMonitor của Mỹ, “lại phơi bày một cấp độ mới của những bất đồng quan điểm, lần này là giữa EU và Mỹ”.

Cho nên, không phải vô cớ mà CSMonitor cho rằng “tại cuộc họp Eurozone, các bộ trưởng tìm được sự thống nhất với nhau duy nhất trong việc... phản đối Geithner”. Theo hãng truyền thông Dow Jones, Geithner đã thúc giục các đồng nghiệp EU vượt qua sự phân hóa về cách giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Geithner nói: “Nguy cơ lớn nhất không chỉ ở sự chia rẽ trong các cuộc tranh luận về chiến lược ở châu Âu, mà còn ở cuộc xung đột giữa các nước với Ngân hàng Trung ương châu Âu”. Phát biểu này của Geithner đã vấp phải phản ứng tức thì từ Bộ trưởng Tài chính Áo Maria Fekter. Bà Fekter nói: “Tôi nhận thấy điều hết sức lập dị là dù người Mỹ có số liệu kinh tế còn tồi tệ hơn cả Eurozone, họ lại bảo chúng ta những gì chúng ta nên làm”.

Tuy nhiên, theo CSMonitor, các nhà quan sát cuộc họp đã đứng về phía Geithner. “Những gì chúng ta nên đạt được trong cuộc họp ở Wroclaw là một lộ trình rõ ràng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu”-Jan Randolph, Giám đốc mảng rủi ro nợ quốc gia thuộc hãng nghiên cứu IHS Global Insight có trụ sở ở Luân Đôn (Anh), nhận định. Randolph cho rằng các nhà lãnh đạo EU “phải chặn những tín hiệu hỗn loạn phát ra từ nhừng nhà hoạch định chính sách”. Thế nhưng, ông tỏ ra bi quan: “Chúng ta có lẽ sẽ thất vọng”.

CSMonitor cho biết, cái gọi là “cuộc họp Ecofin”- triệu tập hàng tháng các bộ trưởng tài chính châu Âu cùng với người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu và Cao ủy Tài chính EU - có quá nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự, chẳng hạn như khi nào chuyển giao số tiền mặt cho Hy Lạp để giúp nước này tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ; liệu có chấp nhận đề nghị của Phần Lan về việc buộc Hy Lạp phải tuân thủ một số hình thức ký quỹ cho những khoản tín dụng mới hay không; làm thế nào và khi nào mở rộng Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (ESSF), vốn được tạo ra để giúp đỡ những thành viên khác của Eurozone gặp khó khăn về tài chính; và liệu châu Âu có nên theo gương Mỹ triển khai kế hoạch kích thích kinh tế.

Geithner đã đề nghị các nước EU tăng quy mô của ESSF, hiện trị giá 440 tỉ euro (khoảng 607 tỉ USD), để hỗ trợ các nước đang gặp rắc rối, đồng thời nhanh chóng hành động nhằm “chống đỡ” hệ thống tài chính và ngân hàng. Nói cách khác, theo Geithner, là phải đổ thêm tiền vào quỹ cứu trợ và đừng đẩy Hy Lạp vào bước đường cùng, vì Hy Lạp vỡ nợ thì không một quốc gia nào ở khu vực này thoát nạn. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết, do còn quá nhiều tranh cãi, giới chức châu Âu đã quyết định hoãn việc xem xét có dành thêm ngân quỹ (khoảng 11 tỉ USD) cứu nguy cho Hy Lạp hay không vào tháng 10 tới.

“Nhìn vào tình hình nợ công một cách tổng quan ở Eurozone, nó lẽ ra có thể kiểm soát được” - nhà quan sát Randolph nói: “Nhưng có quá nhiều chính phủ với các chương trình nghị sự khác nhau có liên quan, nó đang tạo ra một thách thức thật sự”.

NHẬT QUANG (Tổng hợp)

NHẬT QUANG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết