14/10/2009 - 08:47

Đằng sau một thỏa thuận

Có thể nói thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Armenia được ký kết hôm 10-10 vừa qua tại thành phố Zurich của Thụy Sĩ là một sự kiện lịch sử thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Thỏa thuận đó có ý nghĩa hai nước sẽ khép lại quá khứ gần một thế kỷ thù hận và hướng đến một mối quan hệ gắn kết không chỉ có lợi cho nhân dân hai nước vì hòa bình, ổn định và phát triển mà còn phù hợp với mục tiêu của các nước lớn.

Dĩ nhiên, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước còn đi một chặng đường dài rất khó khăn mới có hiệu lực, đó là chờ quốc hội hai nước phê chuẩn. Theo tuyên bố của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, quá trình phê chuẩn của quốc hội nước này nhanh hay chậm tùy thuộc vào kết quả giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ đồi núi cằn cỗi rộng 4.400 cây số vuông, dân số khoảng 140.000 người. Dù có đa số người Armenia sinh sống nhưng nó thuộc chủ quyền của Azerbaijan được cộng đồng quốc tế công nhận. Armenia đã kiểm soát Nagorno-Karabakh sau cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài 6 năm (1988-1994) làm khoảng 35.000 người thiệt mạng và hậu thuẫn cho các nhà lãnh đạo vùng lãnh thổ này tuyên bố thành lập nước cộng hòa độc lập từ năm 1991. Azerbaijan là một đồng minh truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ nên Ankara đã quyết định đóng biên giới với Armenia năm 1993 như là biện pháp đáp trả. Hành động này làm cho mối quan hệ giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng thêm bởi hai nước còn mang mối thù lịch sử.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, đế chế Ottaman, tiền thân của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, đã tiến hành xâm lược Armenia. Theo phía Armenia, từ năm 1915-1917, có hơn 1,5 triệu người Armenia bị thảm sát và thủ tiêu. Còn Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng con số người chết chỉ là từ 300.000-500.000 người. Chính quyền Armenia hiện nay muốn Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới công nhận đó là hành động diệt chủng chống lại nhân loại, nhưng Ankara cực lực phản đối. Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan tuyên bố dù chính phủ nước này ký thỏa thuận hòa bình với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không vì thế mà cuộc đấu tranh đòi quyền công nhận nạn diệt chủng sẽ chấm dứt.

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận hòa bình trên dù vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Azerbaijan với lời cảnh báo nó có thể đe dọa an ninh khu vực và “che mờ” mối quan hệ giữa Baku và Ankara, nhưng lại nhận được sự hoan nghênh của các nước lớn như Mỹ, Nga, Pháp và châu Âu. Sự có mặt của các ngoại trưởng Hillary Clinton, Sergei Lavrov, Bernard Kouchner, cao ủy đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Javier Solana tại buổi lễ ký thỏa thuận hòa bình giữa Bộ Ngoại giao Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10-10 là minh chứng rõ ràng nhất. Ủy ban châu Âu ra tuyên bố hoan nghênh, coi đây là “một bước đi dũng cảm hướng đến hòa bình và ổn định tại khu vực Nam Kavkaz”. Trong khi đó, các đảng phái đối lập cả ở Armenia lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều lên tiếng tố cáo chính phủ nước họ đã chấp nhận nhượng bộ trước áp lực từ bên ngoài.

Báo Le Figaro (Pháp) nhận định mối quan hệ giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ nếu được bình thường hóa sẽ giúp các cường quốc triển khai chiến lược an ninh và kiểm soát năng lượng dựa trên trục Azerbaijan-Armenia-Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, châu Âu có một đường ống dẫn dầu thô và một đường ống khí đốt đi từ Azerbaijan qua Gruzia đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng châu Âu lo ngại khi các đường ống đi qua lãnh thổ Gruzia bị “trục trặc” như trong cuộc chiến với Nga hồi năm ngoái thì nguồn cung cấp năng lượng sẽ bị bế tắc. Cho nên, châu Âu cần có một đường ống đi từ Azerbaijan và Trung Á qua Armenia đến Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần mình, Nga muốn mở rộng ảnh hưởng sang Armenia. Tập đoàn điện lực EES của Nga hiện đang kiểm soát gần như hoàn toàn nguồn cung cấp điện năng cho Armenia và dự kiến sẽ phát triển qua thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã ký hợp đồng mua khí đốt của Azerbaijan và sẵn sàng đưa sản phẩm của mình thông qua lãnh thổ Armenia đến Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu tiêu thụ.

KIẾN HÒA
(Theo AFP, Le Figaro, Reuters, Independent)

KIẾN HÒA (Theo AFP, Le Figaro, Reuters, Independent)

Chia sẻ bài viết