18/08/2024 - 20:01

Đằng sau các cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc 

Trung Quốc và Nga từ lâu đã lập nên một liên minh chính trị, kinh tế không chính thức nhằm đối đầu phương Tây. Giờ đây, quân đội 2 nước còn đẩy mạnh hợp tác quân sự thông qua các cuộc tập trận chung.

Tàu chiến Trung Quốc, Nga trong một cuộc tập trận chung tại Biển Hoa Đông. Ảnh: Reuters

Theo Thời báo New York, hồi tháng rồi, máy bay tầm xa của Trung Quốc và Nga đã lần đầu cùng nhau tuần tra gần tiểu bang Alaska của Mỹ. Vài ngày trước đó, 2 nước còn tổ chức cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật ở Biển Đông lần đầu sau 8 năm. 

Giới phân tích cho rằng các cuộc tập trận chung gần đây giữa 2 nước là bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga ngày càng khắng khít trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Mát-xcơ-va đều tìm cách thách thức đối thủ địa chính trị là Washington. Lâu nay, Trung Quốc tỏ ra thất vọng trước các hạn chế về thương mại mà Mỹ đặt ra cũng như việc Washington xây dựng các liên minh an ninh ở châu Á. Trong một động thái đáp trả, Bắc Kinh cố gắng lôi kéo các nước châu Âu bằng thương mại, trong khi tạo lập ảnh hưởng đối với các nước nghèo hơn bằng đầu tư.

“Bắc Kinh ngày càng cảm thấy rằng các hành động ngoại giao và kinh tế là không đủ để truyền đạt quan điểm với Washington. Do đó, họ đang dùng quân đội như là một công cụ để thể hiện lập trường. Và hợp tác với Mát-xcơ-va là cách để khuếch đại thông điệp của Bắc Kinh” - Brian Hart, thành viên Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nhận định.

Đối với Mỹ, các cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga gieo rắc lo ngại xung quanh việc liệu Washington có thể giành chiến thắng trong một cuộc xung đột ở châu Á trước sức mạnh tổng hợp của Bắc Kinh và Mát-xcơ-va hay không, bởi lâu nay các nhà hoạch định chiến tranh của Mỹ chỉ cân nhắc kịch bản nổ ra xung đột chỉ với Trung Quốc hoặc chỉ với Nga.

Mặt khác, mối quan hệ ngày càng ấm nồng giữa Trung Quốc và Nga còn được xem là chìa khóa cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Mát-xcơ-va phát động tại Ukraine. Phía Mỹ cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể duy trì cuộc chiến nếu Trung Quốc không tiếp tục mua lượng lớn dầu của xứ bạch dương và cung cấp cho nước này công nghệ lưỡng dụng có thể áp dụng trên chiến trường. Đổi lại, Bắc Kinh cần Mát-xcơ-va là đối tác duy nhất để đối trọng với Washington. Alexander Korolev, chuyên gia về quan hệ Trung - Nga tại Ðại học New South Wales (Úc) đánh giá: “Trung Quốc đang ở trong một tình thế địa chính trị rất khó khăn khi mà Bắc Kinh không có đồng minh nào. Nga là quốc gia duy nhất có thể tạo ra sự khác biệt”. Theo giới chuyên gia, sự khác biệt lớn nhất mà Nga mang lại nếu “bắt tay” Trung Quốc trong bất kỳ cuộc xung đột nào là mối đe dọa từ kho vũ khí hạt nhân được cho là lớn nhất thế giới của Mát-xcơ-va.

Ngoài ra, còn rất nhiều điều mà Nga có thể làm để giúp Trung Quốc. Biên giới đất liền dài 2.500 dặm của Nga với Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển vũ khí, dầu mỏ và các nguồn cung cấp khác nếu Mỹ và đồng minh áp đặt lệnh phong tỏa đường biển đối với Trung Quốc. “Trong trường hợp chiến tranh kéo dài, sự hỗ trợ đó của Nga sẽ khiến cho Trung Quốc khó đầu hàng” - Oriana Skylar Mastro, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Stanford (Mỹ), nhận định.

 

Các chuyên gia quân sự cho rằng quân đội Trung Quốc và Nga còn lâu mới hòa nhập được như quân đội Mỹ với các đối tác Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) nhưng sự hợp tác ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Mát-xcơ-va khiến Washington lo ngại. Ủy ban Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, cơ quan được Quốc hội Mỹ ủy quyền phân tích và đưa ra chiến lược trong lĩnh vực phòng thủ, trong báo cáo mới đây đã mô tả mối liên kết ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga là “sự phát triển chiến lược quan trọng nhất trong những năm gần đây”. 

 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết