13/05/2012 - 21:15

Dân Tây Ban Nha lại biểu tình chống “thắt lưng buộc bụng”

Hàng ngàn người biểu tình kéo về phủ kín quảng trường Puerta del Sol. Ảnh: AP

Hàng trăm ngàn người Tây Ban Nha từ hôm 12-5 đã rầm rộ xuống đường biểu tình tại hơn 80 thành phố và thị trấn khắp cả nước nhằm bày tỏ sự phẫn nộ trước thực trạng kinh tế khó khăn, bất bình đẳng xã hội và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và phản đối các chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ.

Tại trung tâm Thủ đô Madrid, khoảng 30.000 người biểu tình kéo đến quảng trường Puerta del Sol và định sẽ tập họp tại đây trong ba ngày. Nhiều nhóm người diễu hành hàng giờ theo từng nhóm riêng lẻ từ mọi hướng dẫn đến quảng trường. Trong khi đó, giới chức Tây Ban Nha cảnh báo không ai được phép tụ tập, cắm trại qua đêm và yêu cầu người biểu tình giải tán sau 10 giờ đêm (giờ địa phương). Khoảng 2.000 cảnh sát chống bạo loạn được triển khai đến duy trì trật tự. Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria nhấn mạnh chính phủ cần đảm bảo quy định về số giờ cho phép tụ tập trên được tôn trọng. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo đó, hàng ngàn người biểu tình vẫn bám trụ tại đây đến sáng 13-5.

Còn tại Barcelona, thành phố lớn thứ 2 của Tây Ban Nha, cảnh sát ước tính khoảng 45.000 người đã xuống đường biểu tình, trong khi các nhà tổ chức cho rằng con số này lên đến 220.000 người. Cuộc biểu tình lần này dự kiến sẽ kéo dài đến 15-5, ngày kỷ niệm “khai sinh” phong trào chống “thắt lưng buộc bụng” tại xứ sở bò tót.

Một năm kể từ ngày “khai sinh” phong trào này, người Tây Ban Nha lại có nhiều thứ hơn để phải biểu tình phản đối khi nước này vẫn chìm sâu trong suy thoái kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến gần 25% lực lượng lao động cả nước và 52% thanh niên dưới 25 tuổi - cao nhất trong 17 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro. Trong khi đó, để giảm nợ công, Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm mạnh tay với số tiền hơn 30 tỉ euro từ đầu năm đến nay. Nhiều người dân nước này cho rằng các biện pháp khắc khổ đang làm trầm trọng thêm sự khó khăn tài chính của gia đình họ trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế từ bốn năm qua vẫn dường như ngày càng tồi tệ. “Chúng tôi đến đây bởi vì chúng tôi tiếp tục giận dữ trước các chính sách thắt chặt chi tiêu mà một nền kinh tế lớn đã áp đặt cho chúng tôi”, một sinh viên 21 tuổi nói. Javier Colilla, một thanh niên 27 tuổi tham gia biểu tình cho biết anh hiện vẫn phải ở cùng cha mẹ vì không tìm thấy cơ hội việc làm nào sau khi tốt nghiệp đại học. “Bây giờ, tôi nghĩ rằng lựa chọn tốt nhất là đến Đức. Ở đó tôi có thể rửa chén đĩa, kiếm một ít tiền và học tiếng Đức. Cơ hội kiếm việc tại Tây Ban Nha thực sự là không có”, Colilla nói. Anh cho rằng chính sách “thắt chặt hầu bao” của chính phủ nhắm vào các lĩnh vực y tế và giáo dục để cứu các ngân hàng là một sai lầm và họ cần tìm các hoạt động khác để cắt giảm.

THUẬN HẢI (Theo AP, AFP)

Chia sẻ bài viết