25/11/2014 - 09:26

Đàm phán hạt nhân Iran trong thế giằng co

Các nhà ngoại giao phương Tây và Iran hôm 24-11 đã tính tới phương án kéo dài giai đoạn đàm phán giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) do không đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Cộng hòa Hồi giáo trước thời hạn quy định vào hôm qua.

Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có 6 cuộc họp với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif kể từ ngày 20-11 trong nỗ lực thu hẹp khác biệt nhằm phá vỡ thế bế tắc, hướng đến một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Tehran. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond trong một tuyên bố hôm 24-11 khẳng định sẽ nỗ lực hơn nữa để có được một thỏa thuận cuối cùng bất chấp một số vấn đề gai góc cản trở tiến trình đàm phán.

Nhưng với những diễn biến hiện nay, một nhà ngoại giao nhận định các bên có thể sẽ tìm kiếm "một khuôn khổ" tạm thời thay vì hướng tới một thỏa thuận toàn diện trong bối cảnh cả hai vẫn duy trì đường lối cứng rắn và không thể tìm được tiếng nói chung. Trước đó, AFP trích dẫn nguồn tin thân cận phía Iran dự đoán thời gian có thể gia hạn "từ 6 tháng đến một năm". Theo BBC, "cái giá" phải trả khi những nỗ lực ngoại giao thất bại sẽ rất nghiêm trọng, trong đó đặc biệt gia tăng nguy cơ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, kéo khu vực Trung Đông vào cuộc chiến lớn hơn.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại Thủ đô Vienne (Áo). Ảnh: AP

Theo nguồn tin thân cận với phái đoàn đàm phán Iran, trở ngại chính trong cách giải quyết những tranh chấp về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này là vấn đề dỡ bỏ cấm vận. Cụ thể, trong khi Tehran muốn bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào cũng cần đảm bảo loại bỏ "ngay lập tức và toàn bộ" biện pháp trừng phạt chống lại nước này thì Washington dưới áp lực nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel khẳng định ít nhất các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cần phải được duy trì để tránh trường hợp Iran phá vỡ thỏa thuận. Mặt khác, Mỹ cùng một số quốc gia đồng minh cũng được cho đã yêu cầu Iran phải hủy bỏ khoảng 80% máy ly tâm và cắt giảm 90% kho dự trữ uranium làm giàu thấp – điều kiện phía Iran kiên quyết không chấp thuận.

Và trong trường hợp đối thoại không đạt được tiến bộ, các quan chức Iran cho biết họ có thể hướng chú ý đến Nga và Trung Quốc. "Tất nhiên chúng tôi có kế hoạch B nếu các cuộc đàm phán hạt nhân thất bại. Trong đó, Tehran sẽ tăng cường hợp tác với bạn bè quốc tế và cung cấp cho họ nhiều cơ hội tại thị trường tiềm năng của chúng tôi" - một quan chức cấp cao của Iran nói với hãng tin Reuters. Mặc dù không tiết lộ cụ thể, nhưng vị này cho biết Cộng hòa Hồi giáo trước nay vẫn luôn duy trì mối quan hệ tốt với Nga và Trung Quốc; cùng chia sẻ quan điểm trong nhiều vấn đề phổ biến hiện nay với nhiều nước, bao gồm cả Syrie và Iraq.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định chiến lược của Tehran sẽ không dễ thực hiện bởi Bắc Kinh và Mát-xcơ-va trước đó cũng từng đứng về phía phương Tây trong các biện pháp cô lập Tehran và đặc biệt càng không dễ thành công trong bối cảnh giá dầu đang sụt giảm cộng thêm kinh tế Trung Quốc và Nga đang phát triển chậm lại như hiện nay.

MAI QUYÊN
(Theo Reuters, BBC, AFP, Press TV)

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC, AFP, Press TV)

Chia sẻ bài viết