NGUYỆT CÁT (Theo Weforum.org, Guardian)
Với việc dân số toàn cầu dự kiến đạt 9,8 tỉ người vào năm 2050, vấn đề bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của nhân loại đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Ðáng lo là nguồn cung nước sạch trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, trong khi nhu cầu nước được dự báo sẽ vượt nguồn cung tới 40% vào cuối thập kỷ này. Ðể đảm bảo an ninh nguồn nước, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp, bao gồm tận dụng công nghệ, nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng nước.

Người dân ở Shanan (Ấn Độ) xếp hàng đợi tới lượt bơm nước giếng về nhà dùng.
Năm 2015, Liên Hiệp Quốc đã công bố Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững bao gồm 17 mục tiêu, trong đó, bảo tồn nước là mục tiêu thứ sáu - cho thấy đây là vấn đề cấp bách toàn cầu. Trong báo cáo mới công bố trước thềm Hội nghị nước Liên Hiệp Quốc, diễn ra tại New York (Mỹ) ngày 22-3, các chuyên gia cảnh báo nhu cầu dùng nước trên toàn cầu sẽ vượt nguồn cung nước ở mức báo động 40% vào năm 2030. “Bằng chứng khoa học cho thấy chúng ta đang đối mặt khủng hoảng nước. Chúng ta đang lạm dụng nước, gây ô nhiễm nước và thay đổi toàn bộ chu trình thủy văn trên toàn cầu thông qua những gì chúng ta đang làm đối với khí hậu. Ðó là một cuộc khủng hoảng nhân ba” - Johan Rockstrom, Giám đốc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam và là tác giả chính của báo cáo, nói thêm.
Ðể bảo tồn nguồn nước, báo cáo đưa ra 7 khuyến nghị chính, bao gồm định hình lại quản trị tài nguyên nước toàn cầu, tăng cường đầu tư vào quản lý nước thông qua quan hệ đối tác công tư, định giá nước hợp lý và thiết lập “quan hệ đối tác công bằng về nước” để huy động tài chính cho các dự án nước ở các nước đang phát triển và thu nhập trung bình.
Các giải pháp công nghệ có thể góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước
Theo các chuyên gia, mất an ninh nguồn nước là thách thức ngày càng to lớn đối với đa dạng sinh học và chúng ta phải giải quyết vấn đề này bằng cách đưa ra các giải pháp tức thì và sáng tạo. Mặc dù các tiến bộ công nghệ tái định hình gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống, nhưng chúng ta hiện chậm áp dụng công nghệ vào việc giải quyết vấn đề an ninh nước. Do đó, để tăng nguồn dự trữ nước và đảm bảo khả năng tiếp cận bình đẳng với nguồn nước, chúng ta cần đến những ý tưởng mới dựa trên công nghệ, điển hình như cách làm sáng tạo của một số công ty trên thế giới.
Kilimo - một công ty được thành lập vào năm 2014 tại Cordoba (Argentina) - đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp nông dân tối ưu hóa việc tưới tiêu và bán lượng nước dôi dư cho các công ty muốn cân bằng lượng nước sử dụng và lượng nước thải ra, trả tiền lại cho nông dân để họ tiếp tục tiết kiệm nước. Nhờ đó, Kilimo đã giúp nông dân ở 6 quốc gia Mỹ La-tinh giảm tới 30% lượng nước sử dụng và giúp khu vực này tiết kiệm 72 tỉ lít nước.
Ở Ấn Ðộ, công ty cung cấp hệ thống xử lý nước Indira Water đã tái sử dụng thành công hơn 750 triệu lít nước, qua đó giúp giảm 70-75% khí thải carbon. Các lợi ích chính từ hệ thống xử lý nước Indra Water bao gồm có mức tiêu thụ điện thấp, không thêm hóa chất trong xử lý nước, tạo ra 65-70% bùn thải, thu hồi tới 99% lượng nước, trong khi đảm bảo đạt hiệu quả xử lý nước cao hơn và ít bảo trì hơn, cũng như loại bỏ chất gây ô nhiễm. Còn công ty NatureDots thì đang ứng dụng các giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong lĩnh vực nuôi cá tại hơn 20 quốc gia. NatureDot kết hợp sức mạnh của tự nhiên và DeepTech (thuật ngữ chỉ mảng công nghệ tiên phong như AI, Internet vạn vật, Thực tế ảo/Thực tế tăng cường, Blockchain…) để giảm rủi ro cho nghề nuôi cá nước ngọt và quản lý nước nhằm giảm tác nhân gây căng thẳng hệ sinh thái. Nó đảm bảo doanh thu cao cho người nuôi cá và các nhà quản lý nước, đồng thời tập trung giám sát “sức khỏe” của các vùng nước, qua đó giúp duy trì nguồn nước trong lành và mang đến loại cá tốt cho tất cả mọi người.
Những cách tiếp cận nói trên chứng tỏ việc tận dụng các công nghệ mới có thể giúp quản lý tốt hơn nguồn nước và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, việc mạnh dạn thay đổi thế giới quan truyền thống về vấn đề an ninh nước sẽ giúp thu hút nhiều bên tham gia vào nỗ lực bảo tồn nước. Cùng với công nghệ là chất xúc tác và các công ty khởi nghiệp là động lực, chúng ta có thể đạt được nhiều kết quả khả quan trong thời gian ngắn.