30/09/2019 - 20:26

Đa số dân Mỹ ủng hộ điều tra luận tội ông Trump 

Theo thăm dò dư luận công bố ngày 29-9, phần lớn dân Mỹ cho rằng Quốc hội nên mở cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Donald Trump (ảnh) liên quan cuộc điện đàm giữa ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Khảo sát của hãng tin CBS News cho thấy 55% người Mỹ nghĩ rằng cuộc điều tra luận tội mà Hạ viện vừa phát động là cần thiết, so với 45% ý kiến ngược lại. Trong nội bộ đảng Dân chủ, gần 9/10 người đồng tình với cuộc điều tra luận tội ông Trump và 2/3 phe Dân chủ ủng hộ mạnh mẽ. Người Mỹ cũng chia rẽ việc liệu chủ nhân Nhà Trắng có đáng bị luận tội do những hành động của ông ấy trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới Ukraine hay không. Theo đó, 42% nói ông ta đáng bị luận tội, trong khi 36% có suy nghĩ trái ngược. Ngoài ra, 22% cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận có đáng hay không.

Kết quả trên công bố 5 ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo chính thức bắt tay điều tra nhằm mở đường cho tiến trình luận tội Tổng thống Trump. Quyết định được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin cho rằng Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm hồi tháng 7 đã gây sức ép, buộc người đồng cấp Ukraine tiến hành điều tra tham nhũng đối với bố con cựu Phó Tổng thống Joe Biden - người hiện là đối thủ của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Theo Hiến pháp xứ cờ hoa, tổng thống đương nhiệm không nhất thiết vi phạm luật hình sự thì mới bị luận tội, mà cũng có thể bị luận tội vì hành vi phản quốc, hối lộ hoặc “những tội nặng nhẹ khác”.

Ông Trump đòi gặp người tố cáo

Cùng ngày, Tổng thống Trump khẳng định muốn gặp “người cáo buộc” ông gây sức ép với Ukraine để trục lợi chính trị. “Như mọi người dân Mỹ, tôi xứng đáng được gặp người buộc tội mình. Đặc biệt khi nhân vật này, được gọi là người tố giác, đã đưa ra cuộc đối thoại với một lãnh đạo nước ngoài theo cách hoàn toàn sai lệch và gian lận”- tỉ phú địa ốc viết trên Twitter. Người tố giác được báo New York Times xác định là nhân viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Chính người này đã trình đơn tố cáo cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo Mỹ và Ukraine là không thích hợp và nó đã châm ngòi cho cuộc điều tra luận tội của Hạ viện hiện do phe Dân chủ kiểm soát. Phe này lập luận rằng ông Trump đã yêu cầu chính quyền nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm tới bằng cách điều tra đối thủ chính trị của mình.

Vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa còn nói “người buộc tội” chỉ có thông tin về cuộc điện đàm thông qua “thông tin cấp hai và ba”. Do vậy, ông hứa sẽ truy tìm nguồn gốc của những chi tiết “không chính xác” này và cam kết dành cho họ “những hậu quả lớn”. Luật bảo vệ người tố giác được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1998 quy định trả đũa nhân viên đã phanh phui những hoạt động trái với luân thường đạo lý hoặc trái pháp luật là hành vi phạm pháp.

Trước đó, nhóm luật sư đại diện cho người tố cáo đã bày tỏ “những lo ngại sâu sắc” đối với sự an toàn cá nhân của thân chủ của họ. Trong thư đề ngày 28-9 gửi đến quyền Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Joseph Maguire và được công bố hôm sau đó, trưởng nhóm luật sư Andre Bakaj trực tiếp đề cập đến việc ông Trump gần đây kêu gọi công khai danh tính người cung cấp thông tin cho nhân vật tố cáo, gọi người này là gần như “một gián điệp”. Phát biểu của tổng thống bị cho là nằm trong số những sự việc khiến nhóm luật sư càng lo ngại danh tính của thân chủ sẽ bị phanh phui và gặp nguy hiểm.

Báo Washington Examiner hồi tuần rồi có nói hai nhà hoạt động cánh hữu đã “treo thưởng” 50.000 USD cho ai “cung cấp thông tin đáng tin cậy” về danh tính người tố cáo ông Trump.

THANH BÌNH (Theo CNN, NBC News)

Chia sẻ bài viết