28/07/2018 - 18:35

Cuộc bầu cử vì sự ổn định và phát triển của Campuchia 

Hôm nay 29-7, cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VI sẽ được tiến hành với sự tham gia của 8,3 triệu cử tri để bầu ra cơ quan lập pháp tối cao gồm 125 thành viên của Vương quốc Campuchia.

CPP trong một vận động bầu cử năm 2018. Ảnh: AFP

Lá phiếu của người dân Campuchia trong cuộc  bầu cử lần này sẽ quyết định tương lai ổn định và phát triển của đất nước sau gần 40 năm hồi sinh kể từ sự kiện lịch sử ngày 7-1-1979, khi dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh sau nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội khóa V, người dân Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đã duy trì được hòa bình và phát triển tại đất nước Chùa Tháp. Đặc biệt, trên lĩnh vực kinh tế, Chính phủ Hoàng gia, do Chủ tịch CPP Samdech Techo Hun Sen làm Thủ tướng, đã thu được những thành tựu ấn tượng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Campuchia là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế ổn định trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng bền vững 7%/năm trong những năm gần đây và dự báo sẽ được duy trì trong những năm tới. Thu nhập bình quân đầu người từ 1.042 USD năm 2013 tăng lên 1.563 USD năm 2018, góp phần đáng kể nâng cao mức sống của người dân. Tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh từ 53,5% năm 2004 xuống còn 13% trong năm 2016. Campuchia đã đạt dấu mốc quan trọng từ một quốc gia có thu nhập thấp trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và đang tiếp tục tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Nhờ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng, vốn dự trữ ngoại hối của Campuchia đã tăng từ 3,64 tỉ USD trong năm 2013 lên hơn 9 tỉ USD trong năm 2017.

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, tình hình chính trị ổn định và an ninh được bảo đảm cùng với việc triển khai Cương lĩnh chính trị và Chiến lược tứ giác phát triển giai đoạn 3 của Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ V là những yếu tố giúp Campuchia giành được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhân dân Campuchia sẽ lựa chọn chính đảng và tầng lớp chính trị đủ năng lực lãnh đạo để đưa đất nước tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.

Với 20 chính đảng tham gia tranh cử, cuộc bầu cử lần này được đánh giá là cuộc đua khá quyết liệt, thử thách thế thượng phong của CPP trên chính trường Campuchia. Trước cuộc bầu cử, các cựu lãnh của đảng “Cứu nguy dân tộc Campuchia” (CNRP) đối lập, đã bị giải thể tháng 11-2017 theo một phán quyết của Tòa án tối cao Campuchia do vi phạm luật về các đảng phái chính trị, đã tiến hành nhiều hoạt động chống phá cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI. Một trong những cựu thủ lĩnh của đảng này, ông Sam Rainsy, hiện đang lưu vong ở nước ngoài, đã thông qua các mạng truyền thông xã hội kêu gọi các cử tri Campuchia tẩy chay cuộc bầu cử bằng cách “ngồi nhà trong ngày bầu cử” hoặc “giữ ngón tay sạch” khi buộc phải đến phòng phiếu nhưng không nhúng ngón tay vào mực để xác nhận đã bỏ phiếu.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi của ông Sam Rainsy và các cựu lãnh đạo của một đảng không còn hợp pháp đã trở nên lạc lõng khi bị cử tri trong nước hầu như phớt lờ. Việc các đảng như CPP, Dân chủ cơ sở (GDP), Liên minh dân chủ Campuchia (LDP), FUNCINPEC... tập hợp được vài nghìn hoặc vài chục nghìn người tham gia diễu hành vận động tranh cử tại thủ đô cho thấy người dân Campuchia quan tâm tới sự kiện này. Chỉ riêng trong ngày kết thúc chiến dịch tranh cử, trên 300.000 người ủng hộ 7 đảng trong số 20 đảng tham gia tranh cử đã tập trung tại Trung tâm triển lãm thương mại Koh Pich và Quảng trường Dân chủ, sau đó diễu hành trên nhiều đại lộ chính ở Thủ đô Phnom Penh. Các đảng nhỏ khác không có điều kiện tổ chức tập hợp, diễu hành,... đã có các hình thức vận động như phát cương lĩnh tranh cử trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, hoặc phát loa trên các xe lưu động trên đường phố. Theo đánh giá của Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), chiến dịch tranh cử diễn ra một cách hòa bình, không có bất kỳ hành động bạo lực nào xảy ra.

Với những diễn biến của chiến dịch tranh cử, cùng với lời kêu gọi công dân đi bầu cử của Quốc vương Norodom Sihamoni, hầu hết lãnh đạo các đảng cũng như nhiều nhà phân tích chính trị Campuchia đều cho rằng khả năng cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này sẽ không thấp như ý đồ của các cựu lãnh đạo đảng đối lập đã bị giải tán. Thậm chí, một số ý kiến lạc quan cho rằng nhiều khả năng số cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử lần này sẽ tương đương cuộc bầu cử Quốc hội khóa V năm 2013, vốn đã thu hút được 61% cử tri đi bầu.

TRẦN CHÍ HÙNG  (Phóng viên TTXVN tại Campuchia)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Campuchiabầu cử