15/01/2022 - 20:29

Cùng một nỗi lo đất hiếm 

Hai thượng nghị sĩ Mỹ là Tom Cotton, một thành viên đảng Cộng hòa và Mark Kelly thuộc đảng Dân chủ vừa đệ trình lên thượng viện nước này dự luật buộc các nhà thầu quốc phòng dừng mua đất hiếm Trung Quốc từ năm 2026, đồng thời yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ đến năm 2025 phải thiết lập kho dự trữ chiến lược đất hiếm có thể dùng trong 1 năm nhằm ngăn ngừa nguy cơ đứt gãy nguồn cung. Dự luật cũng yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ điều tra xem liệu Trung Quốc có đang thao túng thị trường đất hiếm và có cần các biện pháp trừng phạt thương mại hay không.

Nhà máy sản xuất đất hiếm tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Ðây là động thái mới nhất trong chuỗi các dự luật, đạo luật mà các nghị sĩ Mỹ đã trình lên quốc hội trong nỗ lực tăng cường nội lực trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. “Dự luật lưỡng đảng của chúng tôi sẽ củng cố vị thế của Mỹ với tư cách là nước dẫn đầu toàn cầu về công nghệ bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các đối thủ như Trung Quốc về các nguyên tố đất hiếm”, thượng nghị sĩ Kelly nêu lập luận. Thượng nghị sĩ Cotton thì nhấn mạnh: “Chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào hoạt động khai thác và chế biến đất hiếm là yếu tố quan trọng để xây dựng ngành công nghệ và quốc phòng Mỹ, qua đó có thể giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh chiến lược trước Trung Quốc và bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta”.

Trong những năm qua, Mỹ đã hợp tác với các nước khác thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới để cố gắng thúc giục Trung Quốc tăng cường xuất khẩu đất hiểm giữa lúc thế giới thiếu thốn nguồn cung. Mỹ chỉ có 1 mỏ đất hiếm và hiện không có nhà máy khai thác đất hiếm nào. Vì thế, Mỹ phụ thuộc tới 80% nguồn đất hiếm từ Trung Quốc. Liên minh châu Âu thậm chí phải nhập khẩu đến 98% đất hiếm từ Trung Quốc.

Ðất hiếm là một nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng để làm ra các loại nam châm dùng cho xe điện, vũ khí và các thiết bị điện tử. Mỹ tạo ra ngành công nghiệp này từ Thế chiến thứ 2 và các nhà khoa học quân sự nước này đã phát triển những loại nam châm đất hiếm được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, Trung Quốc dần dần kiểm soát gần như hoàn toàn ngành khai khoáng này trong 30 năm qua. Ðiều này dẫn tới việc Bắc Kinh đã sử dụng đất hiếm như một công cụ gây sức ép và trừng phạt khi xảy ra căng thẳng với các nước. Ðiển hình như lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 khi diễn ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Ðông. Trung Quốc cũng đã đe dọa cắt nguồn cung đất hiếm đối với Mỹ khi hai nước leo thang chiến tranh thương mại dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Không dừng lại đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã thành lập một tập đoàn đất hiếm khổng lồ bằng cách hợp nhất một số nhà sản xuất lớn của nước này, động thái được kỳ vọng sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng quyền kiểm soát ngành công nghiệp này trên toàn cầu.

Quy trình sản xuất đất hiếm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đây là một trong những lý do khiến ngành này không phát triển ở Mỹ. Ðang có những nghiên cứu để giúp quá trình này bớt gây ô nhiễm.

Trong khi đó, hiện Trung Quốc kiểm soát hơn 80% sản lượng đất hiếm thế giới, gần 37% trữ lượng toàn cầu. Không những vậy, các công ty nước này hoạt động khắp hành tinh, đặc biệt tại các nước như Myanmar, nơi cung cấp phân nửa lượng đất hiếm xuất khẩu của Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Ðặng Tiểu Bình từng tuyên bố: “Trung Ðông có dầu mỏ, chúng ta có đất hiếm. Ðiều này có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, chúng ta phải xử lý vấn đề đất hiếm hợp lý và tận dụng tối đa lợi thế của đất nước chúng ta về nguồn tài nguyên đất hiếm”.

Trung Quốc thống lĩnh đất hiếm rõ ràng là nỗi lo chung của nhiều nước.

ÐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết