02/04/2020 - 18:23

COVID-19 cũng có thể tổn hại tim 

COVID-19 được xem là bệnh có thể gây chết người vì những tổn hại nặng nề mà nó gây ra cho phổi của bệnh nhân. Song theo một nghiên cứu mới đăng trên JAMA Cardiology (Mỹ), COVID-19 cũng có thể gây tổn thương tim, thậm chí ở những bệnh nhân không có sẵn bệnh lý về tim.

Trong nghiên cứu mới được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 2-2020, Phó giáo sư ngành tim mạch Mohammad Madjid tại Trường Y McGovern Đại học Y tế Texas (Mỹ) - cùng các cộng sự đã phân tích dữ liệu lấy từ 416 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại một bệnh viện thuộc Đại học Vũ Hán (Trung Quốc). Kết quả cho thấy nồng độ prôtêin troponin trong máu bệnh nhân gia tăng bất thường - biểu hiện của tổn thương tim ở người mắc COVID-19. Ngoài ra, các chuyên gia nhận thấy bệnh nhân bị tổn thương tim có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với bệnh nhân không bị tổn thương tim vì bệnh này, tương ứng là 51% và 4,5%.

Tác giả Madjid cho biết COVID-19, cũng như các bệnh hô hấp khác, có thể làm trầm trọng thêm những bệnh lý nền về tim ở người bệnh và gây ra những vấn đề sức khỏe tim mới ở những người khỏe mạnh. Và trong hầu hết các dịch cảm cúm, số người tử vong vì vấn đề tim mạch còn nhiều hơn cả vấn đề hô hấp như viêm phổi. Nên theo nhận định của ông, các nguy cơ tim mạch tương tự cũng xảy ở những ca bị tổn thương nặng vì COVID-19. Tiến sĩ Brian Kolski, một chuyên gia can thiệp tim mạch ở Bệnh viện St. Joseph, cũng đồng ý với nhận định này, khi nói rằng COVID-19 dường như tác động đầu tiên vào chức năng hô hấp và sau đó tiến triển thành một vấn đề tim mạch.

Trong khi đó, Tiến sĩ tim học Sreenivas Gudimetla chỉ ra rằng, nghiên cứu gần đây phát hiện tổn thương tim là một tình trạng phổ biến ở những bệnh nhân nhập viện điều trị COVID-19 ở Vũ Hán. Tuy vậy, ông cho rằng việc nhận diện nồng độ troponin bất thường ở bệnh nhân đang nguy kịch vì COVID-19 không giúp làm thay đổi cách kiểm soát bệnh trạng của họ. “Nếu không có vaccine để đẩy lùi tình trạng nhiễm trùng phổi, thì chỉ có thể áp dụng chế độ chăm sóc hỗ trợ tích cực - như duy trì huyết áp, điều trị suy tim bằng thuốc, trị nhiễm trùng thứ cấp, hỗ trợ chức năng thận và hỗ trợ tình trạng hô hấp, thường bắt buộc dùng máy thở”- ông nói thêm.

YẾN KHOA (Theo Healthline)

Chia sẻ bài viết