Trong bối cảnh dịch COVID-19 ở Mỹ diễn biến phức tạp, hai ứng viên tổng thống đảng Dân chủ đã có màn “tung hứng” nhịp nhàng trong phiên tranh luận trực tiếp khi cùng lên tiếng chỉ trích cách chính quyền Donald Trump xử lý dịch bệnh.

Cựu Phó Tổng thống Biden (trái) và ứng viên Sanders chào bằng cách chạm khuỷu tay. Ảnh: Reuters
Sự bùng phát của dịch COVID-19 đang làm đảo lộn đời sống người dân Mỹ khi gần như toàn bộ các tiểu bang ở nước này đã có ca nhiễm. Đại dịch cũng buộc hai ứng viên Dân chủ - cựu Phó Tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ Bernie Sanders, hoãn chiến dịch vận động tranh cử nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Tuần rồi, Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh. Đây là một phần trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế đang lan rộng.
Vấn đề trên cũng trở thành tiêu điểm khi hai ông Biden và Sanders tranh luận trực tiếp sáng 16-3 (giờ Việt Nam). Trong phần mở đầu, cựu phó tổng thống và thượng nghị sĩ bang Vermont cùng phản đối cách tiếp cận “gây hoang mang” của Tổng thống Trump đối với đại dịch. Ông Sanders thậm chí cho rằng điều người dân Mỹ cần làm hiện nay là “bịt miệng” tổng thống vì ông ta đang làm suy yếu nỗ lực của giới chức y tế và khoa học. Ngoài “đồng lòng” chỉ trích Tổng thống Trump, hai ứng viên Dân chủ mặt khác đưa ra tầm nhìn về khả năng lãnh đạo trong khủng hoảng. Ông Biden vốn theo lập trường ôn hòa trong khi đối thủ được xem là có tư tưởng cấp tiến, nên quan điểm trái ngược trong phương hướng giải quyết dịch COVID-19.
Trong phần tranh luận, cựu Phó Tổng thống Biden khẳng định không một tổng thống nào có thể đảm bảo ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh trong tương lai, nhưng ông cam kết sẽ có chuẩn bị để giúp đất nước phục hồi tốt hơn nếu được bầu. Nhắc lại kinh nghiệm đối phó dịch Ebola vào năm 2014 dưới thời ông làm cấp phó cho Tổng thống Barack Obama, Joe Biden cam kết hợp tác với giới khoa học, lắng nghe các chuyên gia bên cạnh kế hoạch triển khai quân đội và đề xuất gói cứu trợ tài chính liên bang để ổn định kinh tế. “Đây là một cuộc chiến, và trong cuộc chiến, bạn phải làm bất cứ điều gì cần thiết để hỗ trợ người dân” - theo ông Biden.
Được mệnh danh là “cơn ác mộng của Phố Wall”, ông Sanders từng phản đối gói cứu trợ mà ông Biden ủng hộ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và nói rằng đây sẽ là “sai lầm” nếu áp dụng cách tiếp cận tương tự. Thay vào đó, chính trị gia 79 tuổi đề nghị đánh thuế những người Mỹ giàu có nhất song song với nỗ lực thúc đẩy chương trình bảo hiểm y tế toàn dân “Medicare for all”. Kế hoạch này là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Sanders, sẽ gộp chung các công ty bảo hiểm công và tư nhân vào một hệ thống do chính phủ điều hành. Tuy nhiên, ông Biden đáp trả rằng người dân đang muốn một kết quả thay vì cuộc cách mạng chính trị hay đại tu hệ thống mà ông Sanders hướng tới.
Cuộc tranh luận diễn ra 2 ngày trước khi vòng bỏ phiếu sơ bộ được tiến hành tại Ohio, Illinois, Florida và Arizona. Theo giới quan sát, khả năng chiến thắng của ông Sanders bị thu hẹp dần sau chuỗi chiến thắng của đối thủ trong hai lần bầu cử “Siêu thứ Ba”. Hôm 15-3, ông Biden lần đầu tiên xác định sẽ chọn một phụ nữ làm ứng viên phó tổng thống nếu giành được đề cử của đảng Dân chủ. Ngay lập tức, ông Sanders cũng để ngỏ khả năng chọn một phụ nữ làm đối tác trong cuộc đua đến Nhà Trắng.
Trước vòng tranh luận của hai ứng viên Dân chủ, từ khóa #CancelTrump (tạm dịch: bãi bỏ Trump) được đẩy thành xu hướng trên Twitter khi cư dân mạng cáo buộc chủ nhân Nhà Trắng lơ là vai trò lãnh đạo. Bất mãn được cho xuất phát từ việc đa số mọi người không tin Tổng thống Trump và chính quyền của ông đủ khả năng đối phó đại dịch COVID-19 đang diễn ra.
Tính tới chiều 16-3, Mỹ ghi nhận 3.802 ca nhiễm và 69 người tử vong vì SARS-CoV-2.
MAI QUYÊN (Theo Reuters)