29/10/2018 - 07:15

Công ty châu Á rời Trung Quốc vì chiến tranh thương mại 

Hãng sản xuất động cơ Nidec của Nhật Bản mới đây tuyên bố sẽ chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc sau khi Panasonic cùng với một số công ty khác, gồm cả công ty Trung Quốc, lần lượt chuyển sang Đông Nam Á và Mexico do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ làm giảm tính cạnh tranh của chủ trương “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc).


Công nhân Trung Quốc làm việc tại một nhà máy ở Quảng Đông. Ảnh: SCMP

Theo đó, Nidec sẽ chuyển mảng sản xuất động cơ lái trợ lực xe hơi cũng như bộ phận sản xuất linh kiện máy điều hòa gia đình sang Mexico. Tính đến tháng 3-2018, Nidec đã đầu tư 20 tỉ yen (tương đương 178 triệu USD) vào Mexico nhằm nâng gấp đôi công suất của hãng này tại đây. Được biết, các sản phẩm của Nidec chịu mức thuế lên tới 25% từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Cuộc chiến thương mại sẽ còn kéo dài” – Shigenobu Nagamori, giám đốc điều hành (CEO) của Nidec, nhận định. Dù dịch chuyển sản xuất sang Mexico nhưng Nidec vẫn sẽ tiếp tục đầu tư tại Trung Quốc nhằm tận dụng thị trường xe hơi điện đang phát triển ở đây.

Trong khi đó, Panasonic, một trong những công ty Nhật Bản đầu tiên đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, đang chuyển mảng sản xuất thiết bị điện tử cho xe hơi ở Tô Châu và Thẩm Quyến sang Thái Lan, Malaysia và Mexico. Theo một giám đốc của Panasonic, chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể khiến tập đoàn này thiệt hại tới 10 tỉ yen (khoảng 89 triệu USD).

Các công ty Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ cũng có kế hoạch tương tự. Theo đó, Tập đoàn điện tử TCL tại tỉnh Quảng Đông đang dự định tăng cường sản xuất tivi màn hình tinh thể lỏng (LCD) tại nhà máy ở Mexico nhằm thay thế dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc. TCL dự kiến sẽ nâng sản lượng của nhà máy tại Mexico từ 2 triệu tivi năm 2017 lên 3-4 triệu chiếc. Tờ Nikkei Asian Review cho biết, hãng đã mua lại nhà máy ở Mexico từ Sanyo Electric, một chi nhánh của Panasonic, vào năm 2014. Dù tivi LCD không nằm trong danh sách đánh thuế của chính quyền Tổng thống Trump nhưng TCL vẫn chuẩn bị cho trường hợp danh mục đánh thuế được mở rộng.

Một công ty khác của Trung Quốc là GoerTek tại tỉnh Sơn Đông chuyên lắp ráp tai nghe AirPods tuyên bố sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam nhằm tránh bị vướng vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Hai nhà cung cấp khác của “gã khổng lồ” Apple là Pegatron và Cheng Uei Precision Industry cũng có kế hoạch mở rộng nhà máy bên ngoài Trung Quốc với lý do tương tự.

Một số nhà cung cấp linh kiện của Nhật Bản như Keihin, đối tác của hãng xe Honda, hay Yokowo chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng rục rịch rời Trung Quốc. Yokowo, nơi xuất khẩu tới 70% sản phẩm sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc, đang chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Hãng này đặt mục tiêu hoàn thành việc di dời vào cuối năm nay.

Các nhà máy sản xuất nguyên liệu thô không nằm ngoài xu hướng đó. Zhejiang Hailide New Material, công ty sản xuất sợi tổng hợp của Trung Quốc sẽ chi 155 triệu USD để mở nhà máy đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến đi vào hoạt động giữa năm 2020.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết