26/11/2022 - 20:02

Công nghiệp vũ khí Đông Âu “hốt bạc” nhờ xung đột Ukraine 

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, Fortune)

Ngành công nghiệp vũ khí Ðông Âu đang sản xuất súng ống, đạn pháo và các thiết bị khác với tốc độ chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh, khi các chính phủ trong khu vực dẫn đầu nỗ lực viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.

Theo báo cáo của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Mỹ và Anh cam kết viện trợ quân sự trực tiếp nhiều nhất cho Ukraine từ ngày 24-1 đến 3-10, trong khi Ba Lan và Cộng hòa Séc lần lượt xếp thứ 3 và 9. Do vẫn cảnh giác Mát-xcơ-va, một số nước từng thuộc tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va nhận thấy tiếp sức Kiev là vấn đề an ninh khu vực.

Bên trong xưởng sản xuất vũ khí Fabryka Broni Lucznik ở Ba Lan. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nhiều quan chức chính phủ và công ty cho rằng xung đột Ukraine cũng đã mở ra cơ hội mới cho ngành công nghiệp vũ khí của khu vực. “Tính đến thực tế của cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và thái độ rõ ràng của nhiều quốc gia muốn tăng chi tiêu quốc phòng, chúng tôi có cơ hội thực sự để thâm nhập thị trường mới và tăng doanh thu xuất khẩu trong những năm tới”, Sebastian Chwalek, Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn quốc phòng PGZ của Ba Lan, chia sẻ.

PGZ hiện kiểm soát hơn 50 hãng sản xuất vũ khí, đạn dược và cũng nắm giữ cổ phần trong hàng chục công ty khác. Tập đoàn quốc doanh này có kế hoạch đầu tư 1,8 tỉ USD trong thập niên tới, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu trước khi xung đột nổ ra. Ông Chwalek lưu ý trong năm tới, PGZ sẽ sản xuất 1.000 hệ thống phòng không Piorun manpad di động, tăng mạnh so với 600 của năm 2022 và 300-350 ở những năm trước. PGZ nhiều khả năng cũng sẽ vượt qua mục tiêu doanh thu 1,5 tỉ USD năm 2022 mà công ty đặt ra trước chiến tranh.

Trong khi đó, các nhà sản xuất khác cũng đang đẩy mạnh năng lực sản xuất và chạy đua thuê công nhân. David Hac, CEO Tập đoàn STV (nhà sản xuất đạn dược lớn nhất của Cộng hòa Séc), vừa tiết lộ kế hoạch bổ sung dây chuyền sản xuất đạn cỡ nhỏ mới và cũng đang xem xét mở rộng năng lực cỡ nòng lớn. Trong một thị trường lao động khan hiếm, công ty đang cố gắng lôi kéo công nhân từ ngành công nghiệp ô tô đang tăng trưởng chậm. Doanh số bán hàng quốc phòng đã giúp Tập đoàn vũ khí Tiệp Khắc tăng gần gấp đôi doanh thu nửa đầu năm nay so với một năm trước đó, lên 590 triệu USD.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng CH Séc Tomas Kopecny cho biết Ukraine đã nhận được gần 2,1 tỉ USD vũ khí và thiết bị từ các công ty của Séc, khoảng 95% trong số đó là giao hàng thương mại. Theo ông, xuất khẩu vũ khí của CH Séc năm nay sẽ cao nhất kể từ năm 1989.

Kho vũ khí Mỹ chịu sức ép lớn

Cuộc chiến tại Ukraine đang khiến Lầu Năm Góc phải suy nghĩ lại về kho vũ khí của mình. Nếu giờ đây nổ ra thêm một cuộc xung đột, liệu Mỹ có đủ đạn dược để chiến đấu?

Trong cuộc chiến, Nga đã bắn tới 20.000 đạn pháo mỗi ngày, từ đạn súng trường tự động đến tên lửa hành trình. Ukraine đáp trả bằng 7.000 đạn pháo mỗi ngày, bao gồm đạn pháo 155mm, tên lửa vác vai Stinger, tổ hợp tên lửa phòng không NASAMS, và chúng đã cho thấy sự lợi hại trên chiến trường. Phần lớn hỏa lực của Kiev đến từ số vũ khí do Washington tài trợ và được đẩy ra tiền tuyến gần như mỗi tuần.

Lục quân Mỹ cũng sử dụng nhiều đạn dược tương tự như loại đã chuyển cho Ukraine. Tuy nhiên, nhiều hệ thống vũ khí đã ngừng sản xuất cách đây vài năm, chẳng hạn như Stinger ngừng sản xuất năm 2008. Theo ước tính, 1.600 tên lửa Stinger mà Mỹ gửi đến Ukraine chiếm khoảng ¼ tổng số vũ khí trong kho của nước này.

Hồi tháng 5, Raytheon đã giành được hợp đồng sản xuất 1.300 tên lửa Stinger mới cho Lầu Năm Góc, nhưng công ty vũ khí này thừa nhận không thể tăng sản lượng cho đến năm 2023 do thiếu linh kiện. Hệ thống pháo HIMARS cũng đối mặt những thách thức tương tự. Duy trì những dây chuyền sản xuất này khá đắt đỏ, trong khi Lục quân còn có những ưu tiên khác để chi tiêu. Ngay cả khi Quốc hội cấp thêm kinh phí, Lầu Năm Góc cũng khó có thể nhanh chóng khôi phục kho vũ khí.

Chia sẻ bài viết