30/11/2023 - 20:39

Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 

Đó là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023. Tháng hành động diễn ra từ ngày 10-11 đến 10-12-2023. Nhằm hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, TP Cần Thơ đã triển khai đồng bộ những hoạt động từ truyền thông, dự phòng, xét nghiệm, can thiệp, điều trị. Thành phố cũng tiên phong triển khai các mô hình, sáng kiến mới như: Dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, tự xét nghiệm HIV qua trang web http://tuxetnghiem.vn, đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm mới. 

Giảm số nhiễm mới, giảm chuyển sang AIDS và tử vong

Thống kê của ngành Y tế Cần Thơ, thời gian qua, số người nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm, số người nhiễm tham gia điều trị ARV tăng lên, số người chuyển sang AIDS và tử vong giảm rõ rệt… Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ), lũy tích đến ngày 30-9-2023, tổng số người nhiễm HIV phát hiện được là 7.474 người (có hộ khẩu tại TP Cần Thơ); trong đó tử vong 2.719 người, còn sống 4.755 người. Trong 9 tháng năm 2023, thành phố xét nghiệm mới phát hiện 252 người, tử vong 21 người và không có trường hợp chuyển AIDS. So với cùng kỳ năm 2022, số người nhiễm HIV giảm 93 người, số chuyển sang AIDS giảm 4 người và số tử vong giảm 17 người.

Với những tiến bộ trong điều trị, người nhiễm HIV nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ. Điều nhân văn hơn nữa là bà mẹ mang thai nhiễm HIV, điều trị dự phòng lây truyền cho con thì sinh ra em bé khỏe mạnh, không nhiễm HIV. Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV trong 9 tháng năm 2023, lây truyền qua quan hệ tình dục chiếm 95,3%. Tập trung trong nhóm tuổi từ 15-49 tuổi chiếm 92 %; đáng lưu ý là đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tới 65,5%.

Kết quả giám sát trọng điểm HIV trong những năm gần đây, cho thấy tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy giảm và ổn định trong nhóm phụ nữ bán dâm (ổn định trên dưới 4%). Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM vẫn duy trì ở mức rất cao 20,3% năm 2019 và 16,3% năm 2022 (tỷ lệ nhiễm nhóm MSM trung bình cả nước là 12,5% vào năm 2022). Nhóm MSM đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Cần Thơ. Trong nhóm này, nguy cơ lây nhiễm HIV chủ yếu ở người trẻ tuổi, học sinh sinh viên có hành vi không an toàn như: không sử dụng bao cao su, sử dụng ma túy khi quan hệ tình dục (chemsex), quan hệ tình dục với nhiều người… 

Cần sự chung sức của cộng đồng

Hội thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống HIV/AIDS thu hút gần 12.000 học sinh THPT tham gia. Trong ảnh: Tiết mục tự giới thiệu của Trường THPT Thới Lai.

Ngày 14-8-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Cụ thể, Việt Nam đạt được các tiêu chí sau: Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm (hiện nay trên 10.000 trường hợp/năm). Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1/100.000 dân (hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân). Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% (hiện nay 6%).

Sau 30 năm phòng, chống HIV/AIDS, cả nước nói chung và Cần Thơ nói riêng, có rất nhiều sáng kiến hay, mô hình hiệu quả được áp dụng. Tuy nhiên, cuộc chiến với HIV/AIDS hiện nay có nhiều thay đổi như: người nhiễm HIV tập trung trong nhóm MSM trẻ, các tổ chức quốc tế cắt giảm hỗ trợ, thay đổi của hệ thống tổ chức cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố... Từ đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp hơn.

Đứng trước tình hình dịch HIV/AIDS còn nhiều thách thức, Bộ Y tế đã có những văn bản đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tổng LĐLĐ Việt Nam đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS ở trường học và các khu công nghiệp. Ngành Y tế tăng cường phối hợp với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích để cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS toàn diện.

Tại TP Cần Thơ, trong mấy năm gần đây, đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay, công tác truyền thông được đẩy mạnh ở các trường từ THPT đến cao đẳng, đại học. Ths Phạm Nguyễn Anh Thư, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Cần Thơ, cho biết: Thành phố có 13 trường đại học, cao đẳng và trung cấp triển khai hoạt động truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV cho học sinh, sinh viên đang theo học. Trong năm 2023 thông qua đội ngũ tiếp cận viên đã thực hiện 27 cuộc truyền thông nhóm với sự tham gia của 675 nam sinh viên. Đồng thời CDC phối hợp Đoàn Thanh niên các trường tổ chức 2 sự kiện truyền thông lớn với sự tham gia của hơn 1.000 sinh viên. Sự kiện do Dự án EPIC (CDC Hoa Kỳ) hỗ trợ tại Cần Thơ. Ở mỗi hoạt động truyền thông nhóm và sự kiện đều có hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV...

CDC Cần Thơ còn phối hợp ngành giáo dục tổ chức lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng, chống HIV/AIDS và giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS cho đội ngũ cán bộ y tế trường học, cán bộ đoàn trường THPT; tổ chức 10 buổi truyền thông tại 10 trường THPT; tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS với 2 vòng thi (cấp trường và cấp thành phố) thu hút gần 12.000 em học sinh ở 26 trường THPT tham dự.

Năm 2023 cũng là năm đầu tiên CDC Cần Thơ phối hợp LĐLĐ thành phố và 5 quận, Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ tổ chức 30 cuộc truyền thông cho khoảng 900 công nhân, lao động ở các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh tăng cường đưa thông tin đến các nhóm đích, CDC Cần Thơ hỗ trợ, phối hợp các tổ chức cộng đồng như S đỏ, Glink triển khai các hoạt động truyền thông, cung cấp các dịch vụ dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm, kết nối điều trị… trong nhóm MSM, cũng như triển khai điều trị PrEP tại các phòng khám tư nhân.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
HIVCDC Cần Thơ